Dân Việt

Mắc ca và 3 câu hỏi từ Tây Nguyên: Mua lại giống dởm để tiêu hủy

Hoàng Sơn (thực hiện) 06/10/2016 14:24 GMT+7
Đây là một trong những giải pháp mà Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đang cân nhắc các điều kiện áp dụng, nhằm góp phần loại bỏ nguồn giống kém chất lượng có nguy cơ gây thiệt hại lâu dài cho nông dân (ND).

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị độc lập Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).

img

Ông Huỳnh Ngọc Huy (trái) thảo luận với một chủ vườn mắc ca xen cà phê ở Gia Lai. Ảnh: Việt Hưng

Hiện trạng giống mắc ca dởm vẫn tồn tại, gây thiệt hại cho cả ND và doanh nghiệp chân chính. Từ góc độ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông có thể cho biết Hiệp hội sẽ làm gì để hỗ trợ ND và các địa phương đẩy lùi vấn nạn dai dẳng này?

- Như Dân Việt đã phản ánh, vai trò của giống và khí hậu, thổ nhưỡng vùng trồng mắc ca rất quan trọng, có tính quyết định đối với thành bại của người trồng mắc ca... Để góp phần ngăn chặn tình trạng giống dởm, hướng ngành này theo hướng phát triển lành mạnh hơn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam có một số giải pháp hỗ trợ sau:

Thứ nhất, phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống mắc ca; phối hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây mắc ca, theo Quyết định số 89/2005 của Bộ NNPTNT về việc ban hành quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Về cung cấp giống cây mắc ca, theo ông Huỳnh Ngọc Huy, trước mắt ngân hàng và Hiệp hội chỉ chấp nhận giống được cung cấp bởi 3 đơn vị là: Công ty CP Him Lam mắc ca, Công ty CP Tập đoàn Liên Việt (LienVietGroup) và Công ty CP Vinamacca.

Thứ hai, tăng cường phối hợp tổ chức các hội thảo, truyền thông về giống mắc ca chất lượng cao và và tổ chức cho ND, nhà quản lý tham quan mô hình. Những hội thảo đầu bờ như vừa rồi hiệp hội tổ chức tại một số tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiếp tục với hàm lượng thông tin hướng dẫn, chỉ dẫn sát hơn, chuyên gia sẽ gắn bó với người trồng mắc ca thường xuyên, bài bản để hỗ trợ họ tốt hơn nữa.

Thứ ba, Hiệp hội sẽ phối hợp  LienVietPostBank thẩm định các cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn và cơ chế kinh doanh có trách nhiệm với ND. Một trong những điều kiện đối với người vay vốn trồng mắc ca là giống mắc ca phải được cung cấp từ cơ sở có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NNPTNT, do Hiệp hội thẩm định và đề xuất, đồng thời yêu cầu cơ sở cung cấp giống đó phải có giấy bảo hành chất lượng giống cho người vay vốn trồng mắc ca.

Và thứ tư  là giải pháp mà Hiệp hội đang cân nhắc điều kiện áp dụng. Đó là phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động các hộ và cơ sở sản xuất cây giống nhỏ lẻ, giống thực sinh, giống ghép không đạt chuẩn để họ ngừng sản xuất và cung cấp giống không đạt chuẩn ra thị trường. Với số cây giống kém chất lượng đang tồn đọng tại các cơ sở đó, Hiệp hội cân nhắc thu mua lại, để họ không đưa cây kém chất lượng ra thị trường, nhưng với giá mua thấp hơn giá thành sản xuất, để họ không tiếp tục âm thầm sản xuất giống bán cho Hiệp hội.

Với số cây không đạt chuẩn này, Hiệp hội sẽ tổ chức tiêu hủy, và sẵn sàng mời ND, nhà quản lý và truyền thông chứng kiến.

Về “đầu ra” cho sản phẩm hạt mắc ca Tây Nguyên, được biết, Công ty Cổ phần Him Lam đã có kế hoạch xây dựng một cơ sở chế  biến mắc ca tại Lâm Đồng. Dự án này đang ở giai đoạn nào và khi nào có thể thành hiện thực?

- Để xây dựng nhà máy chế biến, cần phải có vùng cung cấp nguyên liệu đủ lớn ổn định, với diện tích ít nhất 6.000ha trở lên. Cho đến nay tại tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca mới đạt khoảng 628ha. Tuy nhiên, để khẳng định hướng đầu tư lâu dài vào mắc ca và củng cố lòng tin của người trồng mắc ca trong nước, Công ty Cổ phần Him Lam đã chính thức đề nghị tỉnh Lâm Đồng cho phép xây dựng nhà máy chế biến mắc ca ở huyện Bảo Lộc và đang tiến hành các thủ tục để xây dựng. Công ty cổ phần Him Lam xác định trước mắt, phải dùng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất là chính vì nguyên liệu trong nước chưa đủ.

Trước mắt, tại Tây Bắc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên Việt (Lienvietgroup) xây dựng Cơ sở sơ chế hạt mắc ca tại tỉnh Sơn La để thu mua tất cả hạt mắc ca đạt tiêu chuẩn của vùng Tây Bắc. Dự kiến cơ sở sẽ hoàn thành vào năm 2017, để kịp thu mua hạt mắc ca niên vụ 2017. Hiện nay, đã có nhà máy chế biến mắc ca tại Khe Sanh, Quảng Trị, đang được xây dựng với công nghệ của Úc, và nhà máy của Him Lam sắp được khởi công, người trồng mắc ca có thể yên tâm với câu hỏi “ai sẽ mua mắc ca cho ND”.

Năm 2015, LienVietPostBank công bố sẽ dành gói tín dụng phát triển mắc ca tới 10.000 tỷ đồng, cho vay ưu đãi và linh hoạt trong trả gốc, lãi. Xin hỏi ông, khi nào nông dân mới có thể được chạm tay vào đồng vốn này?

- Để triển khai vốn vay cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư trồng măc ca, LienVietPostBank đã ban hành quy định sản phẩm Cho vay đầu tư phát triển cây mắc ca số 4190/2015 và có Thông báo số 4224/2015 về triển khai sản phẩm cho vay đầu tư phát triển mắc ca.

Để cụ thể hóa việc này, LienVietPostBank đang phối hợp Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khảo sát vùng và giống trồng mắc ca phù hợp, dự toán chi phí cho vay trồng và chăm sóc măc ca cho từng tỉnh. Đến nay, 3 huyện của tỉnh Lâm Đồng đã xong khâu này. Dự kiến ngày 5 và 6.10.2016, ngân hàng phối Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca thí điểm tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).

Chính sách ưu đãi lớn nhất là trong quy định sản phẩm cho vay mắc ca cho phép ân hạn trả nợ gốc, lãi tối đa 60 tháng (5 năm) và trả gốc và lãi dần theo thu nhập từng năm khi vườn mắc ca đã có thu hoạch. Đây là thuận lợi rất lớn cho người trồng mắc ca, vì trong giai đoạn kiến thiết vườn và chưa có thu hoạch, nhà nông chưa bắt buộc phải trả gốc và lãi. Đối với người trồng mắc ca  đã là thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thì được ngân hàng miễn đóng bảo hiểm.

Điều kiện để ND và doanh nghiệp được vay theo chính sách này là gì thưa ông?

- Để được vay vốn, điều kiện chung là người vay phải có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được cho vay, hạn chế cho vay theo quy định của pháp luật. Có dự án/phương án đầu tư trồng cây mắc ca phù hợp. Không có dư nợ nhóm 2 trở lên tại ngân hàng và các yổ chức tín dụng khác tại thời điểm giải ngân.

Còn điều kiện cụ thể, đối với vùng và giống cây trồng phải đáp ứng điều kiện là nằm trong vùng quy hoạch, danh mục các giống mắc ca trồng và phải được cung cấp bởi đơn vị sản xuất giống mắc ca có uy tín và được LienVietPostBank chỉ định.

Đối với đất trồng cây mắc ca, điều kiện là người vay cần có giấy tờ khẳng định chủ quyền hợp pháp thuộc sở hữu của chính khách hàng vay vốn hoặc giấy tờ cho thuê, giao đất hợp pháp như: Hợp đồng thuê đất, hợp đồng nhận giao khoán, quyết định giao đất...

Xin cảm ơn ông!