Dân Việt

Địa phương hứa kéo điện, 4 năm chưa thấy đâu

Duy Hậu 07/10/2016 06:11 GMT+7
Gần 30 năm đi kinh tế mới, hàng chục hộ dân từ Thái Bình vào Nà Ven (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) vẫn không thoát khỏi đói nghèo.

Sinh tồn trên đất chết

Ngày 20.3.1988, hơn 70 hộ dân Quỳnh Phụ, Thái Bình lên tàu “Nam tiến” đi kinh tế mới theo chủ trương của huyện. Gần 200 con người, lớn bé đủ cả, đùm túm tất tần tật những gì có giá trị, vật vã vượt hơn ngàn cây số đến Tây Nguyên. Sau 10 ngày di chuyển, toàn bộ số dân này được đưa đến cánh rừng bên bờ suối Đục, xã Krông Na, huyện Ea Súp, Đăk Lăk nay là thôn Nà Ven, xã Ea Wer, Buôn Đôn- cách đường vào huyện Ea Súp chừng 3km. Ở đấy, chỉ có một bãi đất trống và một con đường nhỏ vừa được xe ủi vén rừng mà thành, xung quanh hoang sơ không nhà cửa, không một bóng người.

img

Mỗi năm tổng thu từ đậu, bắp... của dân Nà Ven chỉ được vài chục triệu đồng. Ảnh: D.H

Cái khó của thôn chúng tôi kể hoài chẳng hết bởi làm gì có cái gì... không khó. Cốt lõi của tất cả cái khó ấy chính là điện. Có điện là có nước, nước về thì cây cối tốt tươi... kinh tế của dân chắc chắn sẽ theo đó mà phát triển mạnh hơn, thoát nghèo là chuyện không khó.

Ông Nguyễn Đức Giang –
Trưởng thôn Nà Ven

Để có chốn nương thân, dân phải đốn cây dựng chòi, dùng giấy dầu (được cấp phát) làm mái che. Mấy tháng đầu, chính quyền cấp cho mỗi khẩu 13kg gạo, cái ăn tạm thời không lo. Chuyện cấp thiết trước mắt là chẳng mấy ngày nữa mưa ập xuống đầu, giấy dầu, lá rừng chỉ tạm che được cái nắng, phải tìm thứ gì đó lợp nhà chắc chắn hơn dân mới chống chọi được 6 tháng mùa mưa Tây Nguyên. Biết nỗi khổ ấy, ông Y Đưng một cán bộ xã Krông Na vào tận huyện Ea Súp xin chục xe rơm về cho dân lợp nhà. Nói là xin nhưng, dân cũng phải góp mỗi người mấy trăm đồng bồi dưỡng cho cánh lái xe.

Lo xong chỗ ở, dân bắt đầu khai khẩn đất đai tính kế sinh nhai. Cụ Liêu, một trong những người đi di dân đợt ấy kể rằng, đất đai khai khẩn ra chẳng thiếu. Nhưng đất ấy sỏi đá, cằn cỗi vô cùng, nước vừa chạm đất đã khô khốc. Nắng lên cỏ cây vàng vọt, sa mưa xuống phèn nổi tứ bề. Nghĩ mãi, dân quyết định chọn cây bắp để “khởi nghiệp”. Nhưng hạt bắp bỏ xuống, hơn một tháng sau cây lên chỉ to bằng ngón tay, lá vàng vọt, queo quắt như bị ai hơ lửa. Vậy là “nhất niên chi kế” với cây ngô thất bại, dân chuyển sang tỉa đậu, trồng lúa rẫy, cắm thêm hom mì... Cuối cùng cái ăn cũng có nhưng cũng chỉ đủ để lay lắt qua ngày.

Cuộc sống khó khăn nên từ 74 hộ ban đầu, chỉ một tháng sau hơn nửa dân đã bỏ đi tứ tán. Vài ba tháng sau, đếm đi đếm lại chỉ còn 17 hộ trụ lại Nà Ven.

Chỉ xin một ước mơ…

Tính đến giờ, Nà Ven đã ra đời được hơn 28 năm. Nhưng mọi thứ ở đây gần như vẫn chẳng hề thay đổi, chỉ có con người, từ 17 hộ giờ tách ra hơn gấp đôi. Cả thôn có đến gần 200ha đất, tính ra trung bình mỗi hộ có đến gần 4ha. Nhưng sinh kế vẫn quanh quẩn, đậu, bắp, mỳ, mè... năm được, năm mất, dân chẳng thể ngẩng đầu lên được.

Cụ Liêu giờ đã 73, sống trong căn nhà chừng 20m2, vách thưng ván, mái che ngói. Gia sản của cụ, quý giá nhất chỉ có chiếc radio cũ kỹ và chiếc giường ọp ẹp. Nhưng với cụ có được cuộc sống hiện tại đã là quá hạnh phúc. “Mười năm bộ đội, mấy năm liền làm bí thư thôn ở ngoài quê, tôi chẳng phải người lười biếng, không biết tính toán. Nhưng ở vùng đất này, dù có phải làm lụng vất vả hơn nữa cũng chẳng thể nào khá hơn. Không thủy lợi, không điện đóm, nước ngay bên hông mà không làm sao đưa lên được để tưới, cây trồng cứ thế phó mặc cho trời- cất đầu sao được”- cụ Liêu than thở.

Ông Nguyễn Đức Giang- Trưởng thôn Nà Ven, bấm ngón tay, tính đi tính lại, cả thôn chỉ có 6 hộ không nghèo. Trong 6 hộ ấy, có 5 hộ từ nơi khác đến, chỉ duy nhất ông Đỗ Trọng Long là dân kinh tế mới nhờ vợ có đồng lương ở xã nên được xem là thoát nghèo. Còn tất tần tật 36 hộ dân kinh tế mới đều nghèo. “Mấy năm nay, dân được vay nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng CSXH mua được mấy con bò nên có phần đỡ hơn. Nhưng mùa khô cháy trụi, trâu bò thiếu thức ăn ốm giơ xương nên lợi nhuận chẳng đáng là bao, may lấy được ít phân đỡ được phần nào chi phí trồng trọt” – ông Giang chia sẻ.

Chuyện khó ở Nà Ven không chỉ bởi đất đai cằn cỗi mà điện, đường, trường trạm... đều khó. Tuy cách Tỉnh lộ 1 chỉ vài cây số và cách thủy điện “chẳng tày gang tay” nhưng 28 năm qua dân Nà Ven vẫn sống trong tăm tối. Mấy năm trước, đường vào Nà Ven bị xẻ ra làm kênh thủy điện. Dân có lòng mừng tưởng sớm muộn gì cũng được “thơm lây”. Nhưng mơ ước ấy chẳng thành hiện thực. Đường bị chẻ đôi, bên thủy điện nối cầu cho dân đi. Nhưng chẳng biết người thiết kế cầu suy nghĩ ra sao mà cho xây cầu thấp hơn mặt đường đến 5-6m. Xe đi xuống cầu đuôi chổng lên trời, chẳng khéo là lộn cổ xuống kênh. Bức xúc, dân Nà Ven kéo ra gây khó. Chủ đầu tư “thỏa thuận” nếu dân đồng ý để họ làm cây cầu “độc nhất vô nhị ấy” ấy họ sẽ kéo điện cho. Để thể hiện thiện chí, họ dựng một hàng cột điện to vật vã bên đường. Nhưng dân quyết không thuận, phía thủy điện buộc phải dỡ cầu làm lại cầu mới. Thủy điện “giận” bỏ hoang hàng cột điện. Nhớ năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào thăm Nà Ven, đã yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng kéo điện cho dân, lãnh đạo huyện cũng hứa như đinh đóng cột “một tuần sau sẽ triển khai khảo sát...” nhưng đến nay điện vẫn chưa về- Nà Ven vẫn sống trong tăm tối.