Theo hãng tin AP, các công ty hàng không Trung Quốc đã phát triển hàng chục loại máy bay không người lái (UAV) khác nhau. Nhiều chiếc từng xuất hiện trong các hội chợ hàng không, các cuộc diễu binh và có hình dáng giống các mẫu UAV của Mỹ như Predator, Global Hawk và Reaper.
Đủ loại, đủ kiểu
Thực tế, Trung Quốc bắt đầu phát triển UAV trong những năm 1960 và hoạt động này đi lên cùng với việc mua những chiếc UAV Harpy từ Israel. Sau đó, do Mỹ phản đối Israel nâng cấp Harpy cho Trung Quốc nên Bắc Kinh đã tự chế tạo các mẫu UAV của riêng mình.
UAV của Trung Quốc có đủ loại, từ các mẫu sử dụng cánh quạt đơn giản cho tới những chiếc mang dáng vẻ hiện đại. Ví dụ như chiếc Hắc Kiếm có khả năng tàng hình, với hình dáng giống mẫu Avenger của Mỹ.
Hơn 90% UAV đang hoạt động của Trung Quốc hiện là biến thể của mẫu UAV giám sát đơn giản mang tên ASN-209. Những chiếc khác gồm loại Wing Loong, trông rất giống mẫu Reaper của Mỹ và có thể mang theo nhiều loại tên lửa.
Báo chí Trung Quốc nói rằng mẫu UAV này đã được xuất khẩu tới Trung Đông và Trung Á, có thể là tới Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Uzbekistan, với giá chỉ bằng một phần nhỏ mức 30 triệu USD của những chiếc Reaper.
Một chiếc UAV khác cũng đang được chào bán là CH-4, có đủ không gian chứa 4 quả tên lửa và có thể bay liên tục trong 30 giờ. Tham vọng hơn nữa là mẫu Xiang Long BZK-005, rất giống mẫu Global Hawk của Mỹ. Nó được quảng bá có tầm hoạt động tới 6.000km và chỉ bằng kích thước của một chiếc chiến đấu cơ hạng trung.
Giá rẻ bù chất lượng
Việc đẩy mạnh hoạt động phát triển UAV đã vô tình đẩy Trung Quốc vào quỹ đạo đối đầu với 2 nước sản xuất UAV lớn là Mỹ và Israel. Mặc dù UAV của Trung Quốc chưa thể sánh với các UAV Mỹ, nhưng chúng có giá rất rẻ.
Viễn cảnh của Trung Quốc là những chiếc máy bay như thế sẽ xuất hiện trên chiến trường, dẫn đường cho tên lửa và pháo hoặc sử dụng với số lượng nhiều để tấn công các mục tiêu nhạy cảm, như đội tàu sân bay của đối thủ. "Tại kịch bản xung đột nào của tương lai trong vòng 5-10 năm nữa, chuyện cũng đều trở nên phức tạp hơn cho quân đội Mỹ" - Ian Easton, một nhà nghiên cứu tại Viện Dự án 2049 nói.
Trung Quốc hiện đang xây các tổ hợp công nghiệp - quân sự quy mô lớn để hỗ trợ đội UAV của nước này, vốn gồm khoảng 280 chiếc UAV quân sự tính tới giữa năm 2011. Các nhà sản xuất Trung Quốc có quan hệ với quân đội và các cơ quan nhà nước cũng đang tìm tích cực kiếm người mua UAV nội địa, trong thị trường được công ty nghiên cứu quốc phòng Teal Group ước tính đạt giá trị 89 tỷ USD trong 10 năm tới.
Ý tưởng về những chiếc UAV rẻ của Trung Quốc có thể không hấp dẫn Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Australia hoặc NATO. Đây là những nơi đã mua những chiếc UAV tốt nhất của Mỹ hoặc Israel. Nhưng UAV của Trung Quốc chắc chắn sẽ đầy hấp lực với người mua là các khách hàng ở Trung Đông và châu Phi.
"Trong khu vực Trung Đông, có thể có những sự cạnh tranh trực tiếp và Trung Quốc có lợi thế vì họ làm UAV với giá rõ là rẻ hơn" - Easton nói với tờ Tech NewsDaily - "Với các nước không cần công nghệ tốt nhất, chỉ thế đã là đủ".
Những nguy cơ tiềm ẩn
Trung Quốc nói rằng UAV của họ có thể mang theo bom, tên lửa bên cạnh hoạt động trinh sát, qua đó sẽ biến chúng thành các vũ khí giết người trong một cuộc xung đột. Việc Trung Quốc tăng cường sử dụng UAV cũng làm tăng thêm lo ngại về việc thiếu các tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế ghi nhận về các vụ tấn công bằng UAV. Mỹ thường sử dụng UAV như phương thức tiêu diệt khủng bố ở Pakistan và bán đảo A-rập.
"Trung Quốc đang đi theo các tiền lệ do Mỹ đặt ra. Suy nghĩ của họ là "Nếu Mỹ có thể làm, chúng tôi cũng có thể. Họ là nước lớn với lợi ích an ninh lớn và chúng tôi cũng thế'" - Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế SIPRI ở Thụy Điển nói - "Lý do bào chữa cho một cuộc tấn công từ phía Bắc Kinh có thể là trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công dân. Tuy nhiên vẫn cần phải có sự thỏa thuận về các giới hạn".
Dù Trung Quốc tuyên bố quân đội nước này chỉ dùng để tự vệ, Hải quân và các lực lượng quản lý biển dân sự của nước này đã thường xuyên vướng vào các cuộc giằng co với tàu của các nước khác trong khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cũng cáo buộc việc lính Trung Quốc tiến sâu tới 20km vào khu vực tranh chấp và dựng trại trong lãnh thổ của nước này.
Hiện chưa rõ các UAV của Trung Quốc thực sự có khả năng làm gì, bởi giống nhiều thiết bị khác của Trung Quốc, chúng chưa được thử lửa trên chiến trường. Song UAV đang tuần tra biên giới của Trung Quốc và một chiếc UAV Hải quân đã được triển khai tới tỉnh Tứ Xuyên của nước này để giám sát về trận động đất gây thiệt hại lớn về người diễn ra hồi tháng trước.