Sắp chết mới sợ
Sinh năm 1978, chưa đến 40 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Hoàng (Thanh Hóa) đã có thâm niên hút thuốc lào 20 năm. Anh cũng nghe nhiều thông tin về hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có ung thư nhưng cho rằng mình hút thuốc lào nên… an toàn. Ngoài ra, anh cũng thấy nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn mắc ung thư nên càng chủ quan. Nhưng đầu năm, Hoàng bị ho nhiều, tự mua thuốc kháng sinh về uống mãi không khỏi. Đến khi người tự dưng gầy rộc, Hoàng mới đi khám thì nhận được “án tử”: Ung thư phổi giai đoạn cuối, u đã di căn khắp người. Bác sĩ cho biết, hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Đến lúc này anh Hoàng mới hốt hoảng, bỏ thuốc nhưng đã muộn.
Khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: D.L
Tuỳ từng loại ung thư mà có các cách phòng ngừa khác nhau, như ung thư phổi thì việc phòng ngừa là số 1 vì hiệu quả điều trị khá thấp. Đối với ung thư cổ tử cung nên tiêm vaccine, quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng nguy cơ ung thư. Không rượu bia, tiêm phòng vaccine để phòng bệnh ung thư gan. Ăn uống lành mạnh nhiều rau xanh, ít đồ nướng, thức ăn sẵn để ngừa các bệnh ung thư đường ruột…”. PGS Trần Văn Thuấn |
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, 80% nguyên nhân ung thư do thói quen sinh hoạt, ăn uống của con người, đặc biệt là có thói quen hút thuốc, uống rượu bia. GS Hùng phân tích, khói thuốc có tới 60 chất độc hại làm gia tăng nguy cơ ung thư của ít nhất 15 loại ung thư như phổi, khoang miệng, vòm họng, lưỡi, đại tràng… Nguy hại hơn, khói thuốc không chỉ gây nguy hiểm cho người hút mà cả người hít phải khói thuốc xung quanh. “Đó là lý do khiến nhiều người không hút thuốc cũng mắc ung thư phổi, ung thư khoang miệng. Chồng hút, vợ hít, cha hút, con mắc bệnh… Vì thế, mỗi người phải bảo vệ mình ngay từ hiện tại, không nên đợi đến lúc mình và người thân mắc bệnh mới hối hận” – GS Hùng cho biết.
PGS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cũng nhận định, ung thư phổi dù phát hiện sớm cũng có tỷ lệ khỏi bệnh thấp hơn các ung thư khác. Do đó, biện pháp duy nhất để hạn chế mắc bệnh chính là tránh các thói quen có hại cho phổi, trong đó có việc không hút thuốc.
Theo GS Hùng, khoảng 30% các ca ung thư cũng có nguyên nhân từ chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, không hợp lý. Trong đó, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu tàn phá gan và gây nguy cơ cao khiến nam giới xơ gan, ung thư gan, ung thư đại tràng. “Khói thuốc, rượu bia, thức ăn nhiều muối, thường xuyên ăn thịt nướng, thịt hun khói, ăn ít rau, ít vận động… là những nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư dạ dày, đường ruột” – GS Hùng cho biết.
Sợ quá hoá dở
Bên cạnh nhiều người chủ quan với bệnh tật thì lại có nhiều người ám ảnh về ung thư đến mức buộc mình tuân thủ chế độ ăn uống hà khắc, kiêng khem quá mức. Chị Trần Thu Hà (Hà Nội) có con gái 5 tuổi. Chị luôn ám ảnh về việc gia đình có thể bị ung thư từ thực phẩm như chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, tạo nạc... Do đó, chị thường rất ít khi cho gia đình ăn rau xanh mà chủ yếu ăn củ quả trồng dưới đất. Củ quả chị cũng để 1-2 ngày và thấy có hiện tượng héo úa để chắc không có thuốc bảo quản mới ăn.
Còn bà Lê Thị Cù (Thanh Liêm, Hà Nam) cũng lo lắng về bệnh ung thư. Lại có người mách có thể ngừa được ung thư bằng ăn gạo lứt, muối vừng. Do đó, bà bỏ thịt cá khỏi thực đơn, chỉ ăn gạo lứt, muối vừng và chút rau xanh tự trồng. Tuy nhiên, được một thời gian, bà thường xuyên bị đầy hơi, đau bụng. Chịu đựng một thời gian, đi khám, bác sĩ cho biết, bà bị loét dạ dày nghiêm trọng. Sau khi hỏi về thói quen ăn uống, bác sĩ tìm ra “thủ phạm” gây loét dạ dày là gạo lứt. Theo bác sĩ, vỏ gạo lứt quá dày, cứng nên dạ dày của bà không chịu được.
Bác sĩ Cao Thị Thu Hương - Trưởng khoa Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, cơ thể con người rất cần chất xơ đến từ rau, củ, quả, các chất xơ hoà tan giúp “cuốn phăng” đi các “mỡ xấu” có trong mạch máu, còn chất xơ không hoà tan rất tốt cho hoạt động của nhu động ruột, “thông thoáng” đường bài tiết, giúp cơ thể khoẻ mạnh. Quan trọng hơn cả là người dân cần nâng cao sức khoẻ bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn nhiều rau, củ, quả, không hút thuốc, uống rượu và thường xuyên tập thể dục. Khi cơ thể khoẻ sẽ đủ năng lượng để “đánh bật” nhiều loại bệnh tật hoặc tạo “tường lửa” chống lại sự xâm nhập của bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng.