Dân Việt

Hỗ trợ dân lòng hồ thủy điện: Bò giống lại “đi lạc” vào nhà dân?

Kiều Thiện 08/10/2016 06:19 GMT+7
Dù sự việc đã xảy ra từ tháng 4.2016 nhưng đến hôm nay, bà Bính vẫn như còn uất nghẹn khi kể với chúng tôi về những hành động và lời nói của cán bộ xã, bản trong việc bình xét hỗ trợ sản xuất của Đề án 1460 (Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La).

Ốm yếu thì mất quyền lợi?

Nhằm giảm bớt khó khăn của người dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Chính phủ đã có Đề án 1460 hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Theo ông Đinh Văn Lượng, Phó trưởng Ban phụ trách Đề án 1460 huyện Phù Yên, năm 2016, Đề án có tổng số vốn Hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo vùng di dân lòng hồ thủy điện Hòa Bình là 16 tỷ đồng. Những hộ di dân được chủ động lựa chọn và đề xuất phương án sản xuất để Nhà nước hỗ trợ: Nuôi trâu, bò, hay dê, lợn, cá… trên cơ sở nguyện vọng của người dân, UBND huyện sẽ kiểm tra và cấp con giống cho bà con.

“Tính đến cuối tháng 9, nguồn vốn đã giải ngân được 9 tỷ đồng và đảm bảo đúng đối tượng hưởng lợi…”, ông Lượng cho biết.

img

Bà con các dân tộc ở bản Vạn, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La bức xúc trước những sai phạm trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước với người dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Ông Đinh Văn Ngân – Chủ tịch UBND xã Tân Phong - một trong những xã trọng tâm của vùng di dân nằm trong đối tượng hưởng lợi lần này cũng cho biết, các hộ dân sẽ được nhận 1 con bò giống trị giá 11 triệu đồng, (là đợt có mức hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay). Đối tượng hưởng thụ là “hộ di dân lòng hồ gốc và là hộ nghèo”. Nhưng vì số hộ nghèo trong xã quá nhiều mà Đề án chỉ đáp ứng được khoảng 30% số hộ nghèo nên các bản trong xã phải tổ chức bình xét hoặc bốc thăm để nhận hỗ trợ đợt này với mong muốn đảm bảo tính công bằng, khách quan, dân chủ.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với PV NTNN, nhiều người dân cho rằng đây là một đợt bình xét thiếu dân chủ.

Chỉ vào ngôi nhà chỉ còn 1 gian, rách đến tơi tả của mình, bà Nguyễn Thị Bính, dân bản Vạn bảo: “Tôi bị bệnh tim, hôm bản tổ chức bốc thăm nhận bò hỗ trợ, tôi vừa đi viện về, rất mệt nên nhờ các con đi bốc thăm giúp. Nhưng cán bộ bản dứt khoát không cho, yêu cầu phải có mặt chủ hộ mới cho bốc thăm. Nghĩ chuyện ông trưởng bản nguyên tắc như thế là vì muốn bảo vệ quyền lợi cho dân nên tôi bảo các con xốc nách dìu lên nhà văn hóa bản. Nào ngờ, khi đến nơi thì bí thư chi bộ bản lại bảo rằng tôi đến muộn nên hết phiếu rồi”.

Chị Đinh Thị Khuyến, cùng bản với bà Bính cũng bức xúc kể: “Hôm bình xét cấp bò, chúng tôi thương bà Bính lắm nhưng nói ra câu nào đều bị cán bộ bản lấn át. Các anh nghĩ mà xem, bốc thăm để chọn ra 11 hộ nhận bò trong số các hộ nghèo của bản nhưng họ chỉ làm có 11 cái phiếu nên họ gọi ai đến bốc phiếu là người ấy được bò. Bà Bính đau ốm, đến nơi thì người khác bốc mất phiếu rồi, thế là mất quyền lợi”.  

Chưa đúng đối tượng?

Mặc dù các cấp cán bộ từ huyện đến bản đều khẳng định với phóng viên là “chỉ cấp bò cho những đối tượng hội tụ đủ 2 yếu tố: Hộ nghèo và hộ gốc khi thực hiện di dân năm 1988”. Nhưng trên thực tế, qua tố cáo của người dân và tìm hiểu của phóng viên thì có một số hộ được cấp bò ở bản Vạn không nằm những hộ hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ không phải là hộ gốc mà là hộ phát sinh sau này.

Khi phóng viên đến tìm hiểu trực tiếp tại một số hộ được cấp bò đợt này theo Đề án 1460 thì mới biết: Huyện Phù Yên không mở gói thầu cấp bò cho dân mà để người dân tự đi mua gia súc về, rồi huyện xuống kiểm tra, thấy có gia súc thì sẽ cấp tiền mặt.

Khi chúng tôi yêu cầu cán bộ xã đưa đi kiểm tra tại hộ anh Đinh Văn Hải, con của trưởng Công an xã Đinh Văn Thủy thì thấy nhà anh Hải đang xây dựng kiên cố ở gần kề trụ sở UBND xã Tân Phong. Anh Hải lúng túng: “Tôi làm nghề dịch vụ, nhà ở mặt đường nên con bò của Đề án hỗ trợ tôi đem gửi ở trong bản, bây giờ muốn xem thì tôi phải vào bản dắt bò về (?)”.

img

Bà Bính tức tưởi trình bày với phóng viên  trước căn nhà rách nát của mình.

Cũng theo tìm hiểu của PV, trong tổng số 60 hộ nghèo là đối tượng di dân gốc được hưởng con giống hỗ trợ đợt này ở xã Tân Phong thì tại bản Vạn có tới 11/38 hộ nghèo được cấp con giống. Ngoài con trai ông trưởng công an xã thì còn có nhà bí thư chi bộ bản, Phó xã đội trưởng, bố đẻ của cán bộ lao động thương binh xã hội xã; hộ có ô tô… cùng được hỗ trợ con giống đợt này.

Đã vào cuối ngày, căn nhà gỗ 2 tầng quét vecni bóng lộn của trưởng bản Vạn – ông Đinh Văn Thực bật điện sáng choang. Đứng ở ngoài đường nhìn qua cũng thấy sự khá giả của ông Thực thông qua những hòm, tủ, đồ đạc xếp đầy dưới tầng một. Khi được hỏi về con giống mà Đề án 1460 hỗ trợ đợt này, ông Thực bảo: “Tôi vẫn gửi trong bản, chưa mang con giống về nhà (!)”.

“Tôi làm nghề dịch vụ, nhà ở mặt đường nên con bò của Đề án hỗ trợ tôi đem gửi ở trong bản, bây giờ muốn xem thì tôi phải vào bản dắt bò về (?)”

- Anh Đinh Văn Hải

Khi được hỏi về việc “Ông nghĩ thế nào mà lại nhận phần hỗ trợ đợt này trong khi nhiều hộ khác trong bản còn đang sống khốn khổ hơn ông rất nhiều ?”; ông Thực ậm ừ, rồi bảo: “Tôi được hỗ trợ bởi tôi là người biết phấn đấu để thoát nghèo. Còn các hộ kia do không biết phấn đấu nên cứ nghèo mãi. Những hộ nghèo kéo dài như thế thì có hỗ trợ mãi cũng đến thế thôi”. Nói vậy nhưng ông Thực lại lý giải cái khối tài sản hiện có của ông là do đi vay nợ ngân hàng để đầu tư nên cuộc sống của ông ta vẫn khó khăn lắm (?)

Đặc biệt, ông trưởng bản Thực không thể nào lý giải được tại sao một cán bộ, đảng viên có kinh tế khá giả như ông mà năm trước thì nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Còn năm 2016, “dù có ý chí phấn đấu thoát nghèo” – như ông Thực tự nhận, thì ông ta lại nằm trong danh sách hộ nghèo để dẫn tới được nhận những chính sách hỗ trợ về con giống và ưu đãi khác ???