Lên sóng với cái tên Thu Hương trong chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”, bà Trịnh Thị Ngọ khi đó được giao nhiệm vụ trò chuyện với lính Mỹ trên sóng radio, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bà Ngọ thời gian còn làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: I.T
Bà Trịnh Thị Ngọ (sinh năm 1930 tại phố Hàng Bồ, Hà Nội). Bà là con của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, người được mệnh danh là “Ông hoàng thủy tinh Đông Dương”. Bà thi đậu tú tài Pháp, sau đó tiếp tục theo học tiếng Anh của cô giáo Hà Văn Vượng. Bộ phim yêu thích “Cuốn theo chiều gió” đã khiến bà quyết tâm học tiếng Anh để có thể tự mình nghe hiểu được lời thoại của các diễn viên mà không cần phụ đề dịch. Bà từng được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh. Bà qua đời vào hồi 5 giờ 15 phút sáng 30.9.2016 tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi. |
Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà thường được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Nội dung trong mỗi buổi phát thanh là một câu chuyện. Từ chuyện gia đình của những người lính Mỹ tại quê nhà đến chuyện những người phụ nữ Việt Nam mất chồng con do bom đạn, hoặc suy nghĩ của những người lính Việt Nam sau một trận đánh. Đó còn là cả những điều lo sợ của lính Mỹ sau mỗi trận chiến.
Bên cạnh đó, cùng với các phát thanh viên khác của đài, bà đọc danh sách những người lính Mỹ mới tử trận hay bị bắt, cố gắng thuyết phục những người lính Mỹ tin rằng sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là không chính đáng và trái đạo đức, nhằm kêu gọi lính Mỹ đào ngũ. Ngoài ra, những bài hát chống chiến tranh nổi tiếng của Mỹ cũng được phát sóng kèm theo để tạo nên tâm trạng nhớ nhà trong lòng những người lính.
Trong suy nghĩ của những lính Mỹ thời ấy, Hannah Hà Nội là người phụ nữ “phù thủy” bởi bà sở hữu một giọng nói khiến họ vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe. Bị giọng đọc của bà mê hoặc, lính Mỹ gọi bà là “phù thủy”, “nàng tiên cá”. Thậm chí, có những binh lính Mỹ đã thốt lên rằng: “Hannah! Người là đấng tiên tri hay là mụ phù thủy, hay là quỷ sứ?”.
Không ít người lính Mỹ sau những lần nghe những buổi trò chuyện của bà phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội trở về quê hương.
Ngày 30.4.1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, thống nhất”.
Sau chiến tranh, năm 1976, bà chuyển công tác vào Đài Phát thanh Truyền hình TP.HCM để tiếp tục công việc yêu thích của mình trong thời bình. Hannah Hà Nội dường như sống bên ngoài những danh tiếng do giọng nói ngọt ngào mỗi bản tin “Mỹ vận” ngày xưa mang lại.