Hơn 2,5 triệu khách hàng còn dư nợ
Theo báo cáo của Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank), với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp cả nước và có vai trò chủ đạo trong việc cung cấp vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NNNT), đến nay Agribank đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn hệ thống về việc triển khai xây dựng thí điểm mô hình xã NTM.
Gần đây nhất, để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong tình hình mới, tháng 8.2016, Agribank đã ký thoả thuận với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), Văn phòng Điều phối NTM T.Ư về việc hợp tác trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó Agribank đã cam kết hỗ trợ vốn tín dụng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đầu tư hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuỗi giá trị…
Ông Trịnh Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về chương trình xây dựng NTM vừa diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: I.T
Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết Agribank sẽ cam kết tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo tất cả các hộ gia đình đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tại Agribank đều được đáp ứng. |
Từ khi bắt đầu triển khai cho vay đối với 11 xã điểm xây dựng NTM đến nay, Agribank đã mở rộng cho vay ra toàn quốc với tổng doanh số cho vay gần 1.100.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số thu nợ đã đạt hơn 820.000 tỷ đồng, dư nợ còn gần 280.000 tỷ đồng tại 8.970 xã, với hơn 2,5 triệu khách hàng.
Cụ thể, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh, chế biến nông lâm thuỷ sản, diêm nghiệp của ngân hàng đạt 169.589 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển ngành nghề NNNT đạt hơn 36.000 tỷ đồng; dư nợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn chiếm 35.496 tỷ đồng…
Tại hội nghị toàn quốc về triển khai chương trình xây dựng NTM và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc triển khai cho vay vốn chương trình xây dựng NTM của đơn vị đã tạo được dấu ấn rõ nét trong việc giúp người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp nhiều hộ nông dân tự vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu. Thực tế cho thấy đồng vốn của ngân hàng được bà con sử dụng rất hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm dưới 1%.
Mở rộng cho vay
Cũng theo ông Khánh, tính đến hết tháng 8.2016, dư nợ cho vay cả lĩnh vực NNNT của Agribank đã đạt 465.393 tỷ đồng, chiếm 69% dư nợ cho vay nền kinh tế của đơn vị, chiếm 51% dư nợ cho vay NNNT toàn ngành ngân hàng (908.000 tỷ đồng). Trong đó, riêng 8 tháng đầu năm, dư nợ cho vay NNNT của Agribank đã tăng 21.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị này, ông Khánh cho biết Agribank sẽ cam kết tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo tất cả các hộ gia đình đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn tại Agribank đều được đáp ứng.
Đồng thời, ông Khánh cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới. Trong đó, đề nghị Nhà nước mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong NNNT, bởi thực tế vấn đề tài sản thế chấp không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro.
Đồng thời không hình sự hoá các quan hệ tín dụng, xác định đến cùng trách nhiệm trả nợ của người vay… Agribank cũng đề nghị cần tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi như các đơn vị thụ hưởng: Tạo nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thu…; đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ, tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.