Nỗi kinh hoàng... trong ký ức
Theo tin trên các báo điện tử, những đàn châu chấu khủng xuất hiện trên các vùng biên giới Việt Lào thuộc 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Phóng viên Báo NTNN vượt hàng trăm km đường đồi núi để đến thực địa tìm hiểu thực hư. Tại xã Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) – nơi từng xuất hiện những đàn châu chấu đầu tiên khi chúng di cư từ Lào sang mà NTNN đã phản ánh, ông Lò Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ năm 2015, trên địa bàn xã xuất hiện những đàn châu chấu di cư từ Lào sang với mật độ ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.2016, mật độ châu chấu tại một số bản như: Pá Cạnh, Co Muông, Nà Vạc… có lúc dày đặc. Lúc đầu, người dân còn bắt châu chấu làm thực phẩm cho người và cho gia cầm ăn, nhưng sau đó cảm thấy khiếp sợ bởi châu chấu quá nhiều, bắt tới hàng bao tải mà châu chấu vẫn bay rào rào”.
Cánh đồng lúa bản Liềng xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) sắp đến ngày thu hoạch, hứa hẹn mùa bội thu bởi nạn châu chấu lưng vàng đã được dập tắt từ hơn 1 tháng trước. Ảnh: Kiều Thiện
Ông Hà Văn Quân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên cho hay, khoảng tháng 8 vừa qua, có tình trạng châu chấu di cư về một số địa bàn tại 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông nhưng sau đó chúng đã di cư đi nơi khác. Hiện tại, ở Điện Biên không có tình trạng châu chấu hoành hành trên đất nông – lâm nghiệp. |
Còn tại bản Liềng thuộc xã Mường Lèo, những đàn châu chấu di cư cũng xuất hiện vào đầu năm 2016, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Anh Tòng Minh Cường (dân bản Liềng) kể: “Dịp hè vừa qua, châu chấu về nhiều vô kể. Chúng bay đen kịt và hạ cánh xuống những cánh rừng, nương, ruộng. Tuy châu chấu chưa tàn phá mùa màng của chúng tôi tới mức nặng nề, nhưng ai cũng khiếp sợ bởi càng bắt, dường như chúng lại càng tới nhiều hơn. Có những nương lúa, nương ngô hay những cánh rừng tre khi châu chấu hạ cánh xuống, chỉ nhìn thấy châu chấu lưng vàng nối nhau thành những chuỗi dài, không thấy lá lúa, lá tre đâu nữa. Gặp những đàn châu chấu dày đặc ở thời điểm ấy, ngay cả những thợ săn bắn kỳ cựu, từng đối đầu với thú dữ cũng cảm thấy kinh hoàng…”.
Tuy nhiên, đó chỉ là thực trạng cách đây mấy tháng. Sáng 7.10, khi tìm đến một số địa điểm các báo đưa tin đang có mật độ châu chấu dày đặc, chúng tôi chỉ bắt gặp những cặp châu chấu đơn lẻ đang bám chặt nhau để thực hiện việc duy trì nòi giống trong giai kỳ sinh trưởng cuối cùng. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La – ông Dương Gia Định cho biết: “Vòng đời của một con châu chấu chỉ kéo dài 180-190 ngày nên bây giờ là thời điểm chúng “kết bạn”, đẻ trứng rồi sẽ chết trước khi mùa đông tới”.
Cũng theo ông Định, hiện tại mật độ châu chấu lưng vàng chỉ còn mức trung bình từ 10-15 con/m2, cá biệt một vài nơi có mật độ 35-35 con/m2 nhưng chúng chỉ cư trú trên rừng tre nứa và không còn gây hại nữa.
Cánh đồng lúa bản Liềng, xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp) nằm ngay cạnh rừng tre từng được phản ánh là “thủ phủ của những đàn châu chấu di cư từ Lào sang”, bây giờ sắp vào mùa gặt. Những bông lúa nếp tan, lúa tẻ giống mới hạt mẩy, căng tròn, cong vắt như cần câu đã loang loáng sắc vàng no ấm. Ông Tòng Văn Chiến - nông dân bản Liềng phấn khởi nói: “Lúc châu chấu mới xuất hiện dịp đầu năm, dân chúng tôi hoang mang lắm bởi không biết cách nào diệt được. Ai cũng lo cái đói lại ùa về. Nhưng từ tháng 6, khi cán bộ tỉnh, huyện về đây hướng dẫn bà con diệt châu chấu thì mật độ châu chấu đã giảm dần và giờ chỉ còn ít ở trên rừng, không xuống ruộng phá hoại mùa màng nữa”.
Dịch đã cuối chu kỳ
Hỏi Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La – ông Dương Gia Định, ông cho biết: “Vòng đời của một con châu chấu chỉ kéo dài 180-190 ngày nên bây giờ là thời điểm chúng “kết bạn”, đẻ trứng rồi sẽ chết trước khi mùa đông tới. Để có được mật độ châu chấu ở ngưỡng an toàn như hiện nay, chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, huyện và các xã, bản cũng như người dân trong việc tiêu diệt và ngăn ngặn nguy cơ gây hại từ châu chấu di cư”.
Lý giải về thông tin một số tờ báo gần đây viết về sự bùng phát của châu chấu trên đất Mường Lèo, anh Lò Văn Hoàng - cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sốp Cộp cho biết: “Mấy hôm trước, có một số phóng viên tới đây hỏi chúng tôi xin clip về nạn châu chấu trước khi chúng tôi tổ chức tiêu diệt và phun thuốc trừ châu chấu để làm tư liệu. Chúng tôi đã cho họ tư liệu cũ của tháng 5, tháng 6 vừa qua – thời điểm chúng tôi chưa được cấp kinh phí mua thuốc diệt châu chấu. Nào ngờ, họ lại xử lý thành thông tin như châu chấu đang tàn phá Mường Lèo. Hôm nay, các anh đã đến đây chứng kiến tận mắt rồi, làm gì có châu chấu trên ruộng, trên nương nữa”.
Làm việc với ông Phạm Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, ông Hùng cho biết, chính ông là người đã đưa đoàn báo chí đến Mường Lèo tìm hiểu về tình hình châu chấu mấy ngày trước. “Tuy nhiên, 5 ngày trước khi chúng tôi và nhóm phóng viên đến đây đều nhận thấy châu chấu đã giảm đến mức tối thiểu, hầu như không còn gây hại tới diện tích cây lâm nghiệp và không làm tổn hại tới mùa màng. Không hiểu sao khi quay về, các phóng viên lại đưa tin như vậy, làm bạn đọc hiểu sai tình hình, phủ nhận những nỗ lực của chúng tôi”.
Trao đổi với NTNN, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã cấp hơn 400 triệu đồng để bà con nông dân mua thuốc diệt châu chấu trong tháng 6-7. Hiện nay, dù mật độ châu chấu đã giảm mạnh, không còn đủ sức gây hại mùa màng nhưng ngành nông nghiệp vẫn chủ động có kế hoạch phòng trừ và ngăn chặn châu chấu bùng phát... Ông Phạm Hùng cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn chuẩn bị kinh phí, nhân tài vật lực để đối phó với vấn nạn châu chấu di cư cũng như sẽ đề nghị lãnh đạo tỉnh cho sang phía bạn Lào để tìm hiểu, nghiên cứu về thực trạng nạn châu chấu ở nước bạn, từ đó xây dựng giải pháp đối phó hiệu quả hơn trong thời gian tới.”.