Theo trang Nobel Prize, giải thưởng này trao cho ông Juan Manuel Santos vì "những nỗ lực kiên định của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại đất nước ông’.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo lực lượng FARC Rodrigo Londoño (còn gọi là Timochenko) là hai nhân vật đã đóng vai trò chính trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử vừa qua chấm dứt chiến tranh giữa quân đội chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC).
Trước đó, hôm 26/9, Tổng thống Santos và Rodrigo London đã ký thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm cuộc nội chiến kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại, và hiện là cuộc xung đột vũ trang duy nhất còn tiếp diễn ở châu Mỹ. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người Colombia, khiến gần 6 triệu người mất nhà cửa.
Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, hơn 13 triệu người dân Colombia (tức quá nửa cử tri) đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận. Mặc dù vậy, bà Kaci Kullmann Five - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - cho rằng kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân Colombia chỉ phản đối nội dung trong đó, chứ không từ chối hòa bình.
Theo thông cáo của Ủy ban Nobel, “giải thưởng này cũng dành cho người dân Colombia…. cũng như tất cả các bên đã có đóng góp cho tiến trình hòa bình".
Tổng thống Santos là nguyên thủ quốc gia/chính phủ thứ 15 nhận giải Nobel Hòa bình khi còn đương chức. Ông là người Colombia thứ hai được trao giải Nobel. Người đầu tiên là nhà văn Gabriel García Márquez, nhận giải Nobel Văn chương năm 1982.
Năm nay, giải Nobel Hòa bình đạt con số đề cử kỷ lục, với 376 đề cử, gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức. Điểm đặc biệt trong đề cử Nobel năm nay là sự góp mặt của tỉ phú kiêm ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Các đề cử đáng chú ý còn bao gồm ‘người thổi còi’ Edward Snowden (Mỹ), Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người dân Hy Lạp.