Công dân Nguyễn Phong được công an xã mời đến UBND xã làm việc với chủ tịch. Chủ tịch lại uống rượu say, quát nạt, bạt tai rồi đánh đập ông Phong đến mức phải đi bệnh viện. Chưa hết, ông chủ tịch này còn dọa nạt nhiều công dân khác, đòi đốt cháy cây xăng của một hộ kinh doanh, đập phá quán của một hộ dân khác.
Một công dân bình thường hành hung người khác là có hành vi vi phạm pháp luật. Còn một ông “quan” xã đánh dân ngay tại trụ sở UBND thì đáng tội gì? Nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được lãnh đạo địa phương hoặc cơ quan pháp luật xử lý. Người dân không thể chấp nhận người đứng đầu chính quyền xã, là công bộc của dân lại có thái độ hống hách, côn đồ với dân như vậy. Một người thiếu văn hóa, ứng xử thô bạo, coi thường pháp luật, coi thường dân như ông Quốc làm chủ tịch xã thì dân không thể tin tưởng, tôn trọng chính quyền.
Ở một số địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại tình trạng “quan xã” cậy thế tác oai tác quái với dân theo kiểu lý trưởng ngày xưa. Có nơi lãnh đạo xã kéo nhau đánh bạc ngay trụ sở ủy ban, có nơi cán bộ tổ chức ăn nhậu tại cơ quan ngay trong giờ làm việc. Dân đến cửa chính quyền thì không có cán bộ tiếp, dân lên tiếng phản đối thì bị dọa nạt. Nhiều địa phương khác tuy không đến mức quát nạt, hành hung dân, nhưng tình trạng phổ biến nhất là cán bộ bê tha, lơ là nhiệm vụ, điều hành công việc thiếu chuyên nghiệp. Cho nên chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả hệ thống chính quyền.
Các vụ dân thưa kiện cá nhân cũng như đông người, khiếu kiện vượt cấp là có nguyên nhân từ việc giải quyết không tốt công việc hoặc xử lý sai quy định của pháp luật từ chính quyền cơ sở. Những vi phạm từ cấp xã phường một phần do cán bộ thiếu đạo đức, cậy quyền cậy thế làm ẩu, một phần là do cán bộ thiếu kiến thức, trình độ hạn chế. Đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ chính quyền cơ sở, nhưng hiệu quả chưa cao. Ông chủ tịch xã hành hung người dân tại Lâm Đồng nêu trên là một loại cán bộ vừa thiếu đạo đức vừa kém trình độ. Đối với những cán bộ này, cần phải loại ngay ra khỏi bộ máy.
Để dẹp triệt để nạn "lý trưởng đời mới” chỉ có việc duy nhất phải làm là lựa chọn cán bộ công bằng, tránh nạn phe cánh. Một khi nạn phe cánh còn là "tiêu chuẩn" cao nhất trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thì người tài, đức thực sự sẽ bị loại trừ. Người tài đức không làm cán bộ lãnh đạo mà thay vào đó kẻ bất tài kém đức thì mọi hậu quả đổ lên đầu dân.
Chân Tâm