Dân Việt

Tình yêu Hà Nội của NSND Đặng Nhật Minh đã được đền đáp

Ngọc Ngà 09/10/2016 07:20 GMT+7
Đạo diễn điện ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh dành nhiều tâm huyết cho Hà Nội, thể hiện qua nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị. Năm 2016 ông được vinh danh Công dân thủ đô ưu tú.

Trong lần vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm nay, có một người tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông lại gắn liền với mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Dành nhiều tâm huyết cho tình yêu Hà Nội, thể hiện qua nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị, ông là đạo diễn điện ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, được thế giới trao giải Thành tựu trọn đời vì sự nghiệp điện ảnh của Châu Á và nhiều phần thưởng cao quý khác.

img

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Huế, bố là bác sĩ Đặng Văn Ngữ - một nhà khoa học lớn tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên từ nhỏ, cậu bé Đặng Nhật Minh đã có cơ hội tiếp xúc với văn chương và ảnh hưởng nhiều từ tinh thần yêu nước, lý tưởng cống hiến của gia đình.

Tuổi thơ của Đặng Nhật Minh gắn bó với những áng văn, câu thơ khó quên về Cầu Thê Húc thơ mộng, đền Ngọc Sơn cổ kính, Hồ Tây lộng gió và cả con sông Hồng nước đỏ phù sa. Đặc biệt là những cuốn sách của nhà văn Thạch Lam đã giúp ông hiểu thêm về một “Hà Nội băm sáu phố phường”. Được tiếp xúc với người dân Hà Nội, ông càng hiểu hơn về văn hóa, tính cách con người nơi đây.

img

Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và Minh Hương trong phim "Đừng đốt"

"Tôi là một người rất yêu Hà Nội. Hà Nội là mảnh đất mà người tứ xứ đổ về đây. Bản thân cũng có những người Hà Nội gốc - người kẻ chợ. Rồi hình thành nên một tính cách Hà Nội, văn hóa Hà Nội. Đúng như câu người ta nói “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Là người làm điện ảnh nên tình yêu Hà Nội của Đặng Nhật Minh được bộc lộ tinh tế qua nhiều bộ phim như: “Mùa ổi”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Đừng đốt”… Tình yêu đó như thấm, như truyền vào các tuyến nhân vật. Đó là tâm hồn nhân hậu của 2 vợ chồng người thợ cạo trong “Hoa Nhài”; là nét thanh lịch, duyên dáng của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng các tuyến nhân vật tạo nên “câu chuyện cổ tích thời hiện đại” được người xem chấp nhận một cách tự nhiên.

Với Đặng Nhật Minh, Hà Nội cũng như những con người nơi đây rất nhân ái và sâu sắc. Chẳng thế mà để vào vai Đặng Thùy Trâm - một người con gái Hà Nội nết na, dịu dàng, chịu thương, chịu khó, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã rất kỳ công khi chọn diễn viên chính cho phim của mình.

Diễn viên Minh Hương- người thủ vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim Đừng đốt đã nói về đạo diễn Đặng Nhật Minh như thế này: "Diễn viên nào đã từng làm việc với đạo diễn Đặng Nhật Minh thì đều rất hâm mộ ông vì ông có cái tài chia sẻ cùng diễn viên để người ta thật sự sống cùng vai diễn đó. Khi bác chính thức gặp tôi, bác nói cháu hãy đọc kỹ kịch bản, cuốn nhật ký đi. Bây giờ cháu không còn là Minh Hương nữa mà hãy là Đặng Thùy Trâm,  ngay từ bây giờ, như thế cháu sẽ có cảm xúc. Riêng ngoại hình, theo bác đã chiếm được bao nhiêu tình cảm của khán giả khi hình dung về một cô gái gốc Hà Nội – một phụ nữ nết na, dịu dàng, chịu thương, chịu khó".

img

Cảnh trong phim "Mùa ổi" của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh

Ở mỗi bộ phim, tình yêu Hà Nội của Đặng Nhật Minh cũng mang một màu sắc khác nhau. Nếu bộ phim “Mùa ổi” là câu chuyện về những tiểu tư sản, trí thức Hà Nội bị gạt ra rìa cuộc sống sau 1954, thì bộ phim truyện “Hà Nội mùa đông năm 46’’ lại mang tính luận đề cao khi khắc họa một thời điểm khốc liệt của lịch sử đất nước diễn ra trên đất Thủ đô. Những thước phim lịch sử gắn liền với cuộc chiến đấu anh dũng, hào hùng của những chiến sĩ tự vệ thành được Đặng Nhật Minh đưa vào phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, tái hiện nên một trang sử bi tráng, hào hùng của dân tộc.

Bộ phim không chỉ có giá trị lịch sử mà còn giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn nhân dân và lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc của chúng ta: "Mỗi khi ra nước ngoài thì tôi thường tiếp xúc với những người bình thường, họ không phải là nhà chính trị, những chính khách cho nên họ không hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam lắm. Họ cứ có quan điểm là người Việt Nam hiếu chiến. Tôi nghĩ là có lẽ mình nên làm một bộ phim gì để nói lại cho nhân dân thế giới, để người ta hiểu lại, thì tôi tìm trong lịch sử cận đại của đất nước có giai đoạn 1946. Và khi làm xong phim này, người nước ngoài xem và họ bảo có những giai đoạn mà chúng tôi không biết".

Rồi đến những cuốn sách được ví như “những bộ phim trên giấy” của ông xuất bản gần đây như “Hoa Nhài”, “Nhà điều dưỡng nước khoáng”, “Ngôi nhà xưa” đều lấy Hà Nội làm bối cảnh và người Hà Nội làm nhân vật trung tâm, người đọc chợt nhận ra một Hà Nội với những điều khác lạ. Những “bộ phim trên giấy” của Đặng Nhật Minh cho người đọc một hướng tiếp cận hiện thực đời sống khá mới mẻ - không chỉ với đạo diễn mà còn cả với nền điện ảnh Việt Nam.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội nói: "Đặng Nhật Minh luôn muốn tìm cho mình cách nhìn riêng, một chỗ đứng riêng, một vị thế riêng trong điện ảnh Việt Nam, và với lòng khát khao, cháy bỏng muốn cho điện ảnh Việt Nam có một thế đứng ngang tầm với thế giới. Chính vì vậy mà anh ấy tạo ra được những tác phẩm được gọi là xuất sắc, lưu dấu ấn trong lòng điện ảnh Việt Nam và thế giới. Đấy là bản lĩnh của một con người chân chính, chính vì thế chúng tôi rất tự tin đề xuất anh ấy là Công dân Thủ đô ưu tú".

Làm việc quên cả tuổi tác và sức khỏe, những ngày này, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đang ấp ủ làm một bộ phim về cha mình - Nhà khoa học - bác sĩ - chiến sĩ cách mạng Đặng Văn Ngữ - người đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước. Đó cũng là việc mà một công dân ưu tú cần làm, như cách thành phố Hà Nội đã lấy tên cha ông đặt cho một con đường giữa Thủ đô từ nhiều năm qua./.