E ngại trên đất của mình
Tại công trình này, hầu hết người mà chúng tôi gặp là người Trung Quốc, một số rất ít là người Việt Nam. Một công nhân sửa xe tên Trung, quê Quế Sơn, Quảng Nam cho biết, công nhân Trung Quốc ăn nghỉ và sinh hoạt theo tổ. Việc nấu ăn tại đây do 5 phụ nữ Trung Quốc phụ trách. Trong 5 phụ nữ này có cả vợ của các công nhân tại công trường.
Phụ nữ Trung Quốc nấu ăn cho công nhân tại công trường |
Anh Trung tỏ ra e ngại giới lao động Trung Quốc: “Họ phần đông tướng tá bặm trợn, lại ở nơi rừng núi, nếu lỡ có “đụng độ” thì anh em chúng tôi thua là cái chắc”. Cũng theo anh Trung, dù mới đến đây được 2 tháng, nhưng anh đã có 2 lần bị lao động Trung Quốc gây gổ, dọa nạt vì anh kêu không hợp thức ăn Trung Quốc và nhỡ phơi quần áo kề đồ của họ.
Ông Vũ Tiến Nam - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sao Phương Đông (TP.HCM), nhà thầu phụ duy nhất tại đây, cho biết, “quân” của anh tại đây chỉ có 20 người Việt, mới làm chung 1 tháng mà đụng độ với lái xe Trung Quốc đến 5 lần.
“Họ chạy ra chạy vào trên tuyến đường có lán trại của anh em tôi và gây gổ vì ba chuyện không đâu vào đâu, nào là công nhân Việt Nam nhìn đểu họ, hay đổ nước ra ngoài đường xe chạy, tối không chịu đi chơi mà tụ tập coi tivi… Họ nói gì, chúng tôi không hiểu nhưng nhìn thái độ thì thấy rất căng thẳng. Họ cậy đông hiếp yếu, nên nhiều lần, chúng tôi phải nhờ Ban quản lý công trình can thiệp mới êm chuyện”.
Để tránh xảy ra đụng độ, anh Nam cấm tiệt công nhân mình đến những nơi có công nhân Trung Quốc làm việc hay vui chơi…
Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đã có một số vụ mâu thuẫn giữa thanh niên địa phương với lao động Trung Quốc. Điều ngạc nhiên là ông Mai cũng không biết số lượng người Trung Quốc trên địa bàn huyện mình là bao nhiêu.
100% lao động “chui”
Theo điều tra riêng của phóng viên, tại công trình Thủy điện Sông Bung 4 có 296 lao động Trung Quốc, trong đó có 186 công nhân, 23 lái xe và 5 nấu ăn, số còn lại làm quản lý… Đáng chú ý, 100% số lao động này đều không đăng ký với Sở LĐTBXH. Công nhân Trung Quốc ở đây làm những việc như phá đá, lái xe vận chuyển vật liệu kiêm luôn cả sửa chữa xe…
Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH Quảng Nam) cho biết thêm, số lao động nói trên sở sơ bộ đã nắm được. Tới đây, chắc chắn sở sẽ có văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải đăng ký; nếu tiếp tục không có giấy phép sẽ trục xuất lao động.
Về việc nhiều lao động Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn, nhưng lại làm “chui”, trong khi đó, thanh niên, người lao động địa phương từ lao động phổ thông đến người có tay nghề đang rất nhiều nhưng không có cơ hội làm việc tại công trình thủy điện, bà Hương cho biết, do chủ đầu tư không ưu tiên tuyển lao động địa phương và địa phương không cương quyết ràng buộc nhà đầu tư về tuyển dụng lao động tại chỗ.
Vân Anh