Dân Việt

Đau lòng học sinh đốt trường, tự tử vì mạng xã hội

Tùng Anh 10/10/2016 13:00 GMT+7
Vì 1.000 like trên Facebook, một nữ sinh đã tưới xăng, châm lửa đốt trường. Cũng vì nhận nhiều “gạch, đá” từ mạng xã hội sau khi bị tung clip mình bị đánh, bắt quỳ gối, một học sinh đã treo cổ tự tử. Mạng xã hội đang khiến giới trẻ rơi vào nhiều hệ lụy đau lòng.

Ngày 10.10, nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng, giới trẻ hiện nay đang bị chi phối rất nhiều bởi mạng xã hội. Chính vì vậy, nếu không biết tự kiểm soát mình, các em rất dễ trở thành nạn nhận của nó hoặc gián tiếp gây lên cái chết cho người khác.

“Dưới mỗi nút like, chia sẻ là nhân cách, đạo đức, danh dự, thậm chí cả tính mạng của người khác. Vì vậy, chúng ta phải thực sự thận trọng” - ông Nhĩ nói.

Theo ông Nhĩ, việc cấm học sinh sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác là không thể, kiểm soát trong trường học và ở gia đình cũng không dễ dàng gì. Tất cả phải phụ thuộc vào ý thức của các em, những người tham gia vào mạng xã hội.

Mới đây, trên mạng xuất hiện một clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh một nữ sinh THCS mang một bọc xăng chứa trong túi nilông vào trường, châm lửa đốt. Hành động được nữ sinh thực hiện trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, tuy nhiên không ai ngăn cản. Chỉ khi lửa bùng lớn và lan cả sang người em nữ sinh này, mọi người mới tá hỏa tìm nước để dập cháy.

img

Hình ảnh nữ sinh tưới xăng, châm lửa đốt trường được cắt ra từ clip trên mạng xã hội

Được biết, nữ sinh tưới xăng, châm lửa đốt trường sinh năm 2003, hiện là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà). Còn trường bị đốt là trường "hàng xóm" - THCS Phạm Ngũ Lão (xã Ninh An, Ninh Hòa).

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trước đó, nữ sinh này đã đăng tải trên Facebook một status có nội dung nếu đủ 1.000 lượt like sẽ châm lửa đốt trường. Thông tin này ngay sau đó đã được bạn bè chia sẻ chóng mặt. Sau khi đã đủ số lượt like, nữ sinh bị các bạn ép phải đốt trường như đã tuyên bố. Sự việc hiện đang được cơ qua chức năng thị xã Ninh Hòa và Phòng GD-ĐT làm rõ. Nữ sinh đốt trường cũng bị bỏng nặng 2 chân và đang được chữa trị tại bệnh viện.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng đối với lứa tuổi học sinh. Chỉ trước đó vài ngày (25.9), một nam sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) đã thắt cổ tự tử chỉ vì bị đánh, bắt quỳ xin lỗi rồi quay clip tung lên mạng xã hội.

Trước đó, năm 2013, em N.T.C.L (khi đó là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L, khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.

Theo ông Nhĩ: “Cần giáo dục cho các em các kỹ năng cơ bản về cách ứng xử không chỉ ngoài đời mà còn cả trên thế giới ảo. Phải biết nhận diện thế nào là đúng, là sai, cái gì nên và không nên bình luận, chia sẻ. Khi gặp những tình huống mà mình bị bôi nhọ, bị "ném đá"… cần biết điềm tĩnh xử lý sự việc. Không nên để bị kích động gây tổn hại đến bản thân và người khác”.

Ngoài ra, cũng theo ông Nhĩ, các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, việc thường xuyên tâm sự, giải tỏa những áp lực của con, đưa con tham gia các hoạt động lành mạnh ngoài xã hội sẽ giúp trẻ bớt đắm chìm vào thế giới ảo, tránh xa những hậu quả đau lòng có thể xảy ra.