Dân Việt

Bố mẹ ly hôn: Làm sao con sống tốt?

N. Huyền 15/10/2016 14:51 GMT+7
Rất nhiều người lo ngại rằng: sau khi cha mẹ li hôn trẻ em sẽ phải trải qua một cú sốc lớn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí của con.

img

Chị Lê Phương Hoa

Trẻ sốc khi bị chia cắt với anh em trong nhà

“Bàng hoàng, xót xa” là cảm giác mà  chị Lê Phương Hoa, giám đốc trung tâm UNESCO về Phát triển bản thân - Life School, Hà Nội khi đọc được thông tin em bé ở Phú Bình, Thái Nguyên bị bố đánh phải đi cấp cứu chỉ vì mải chơi điện tử, không chú tâm học hành sau khi bố mẹ chia tay.

Chị Hoa cho biết, bản thân chị cũng làm mẹ đơn thân và chăm sóc hai con nhỏ từ mười mấy năm nay, do đó, chị đã học được một điều là không được sợ hãi và không được để cho dư luận/ định kiến ... chi phối cuộc sống của cả mẹ lẫn con.

Theo chị Hoa thì, con gái khi lớn lên từng bảo: “May mà mẹ ly hôn bố sớm, nếu không thì con khó lòng được đi du học và được học nhiều thứ. Bố các cô cũng là người tử tế, nhưng quan điểm thì: “việc gì phải học ngoại ngữ, đọc sách, học đàn, chơi thể thao, đi du lịch...”.  Trong khi các cô con gái mình đã đi khắp từ Âu sang Á thì bố chưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Không phải vì không có tiền, mà vì thấy chẳng cần thiết, không hứng thú gì. Giống nhiều ông bố, anh chàng chỉ thích đánh bài, nhậu với bạn bè. Con thích đọc sách, bố thì không bao giờ cầm vào một cuốn sách. Không phải là tốt hay xấu, chỉ là sự khác biệt về lối sống.

“Tất nhiên, nếu có cuộc sống êm ấm, vợ chồng con cái quây quần thì còn gì bằng. Nhưng nếu như cuộc sống mà vợ chồng không hạnh phúc, thì đứa trẻ lớn lên không thể nào hạnh phúc được. Mà hạnh phúc không phải đo đếm bằng sự êm ả trong gia đình. Có người từng hỏi tôi, có thấy con mình thiệt thòi không khi thiếu bố? Tôi nói ngay, không, tôi không thấy con mình thiệt thòi. Hơn thiệt chỉ là sự đánh giá chủ quan của người bên ngoài. Quan trọng nhất là chúng ta sống với trẻ như thế nào sau ly hôn mà thôi” – chị Hoa nói.

Với suy nghĩ tích cực như vậy, chị Hoa không bao giờ cãi nhau, chửi nhau với chồng cũ. Chỉ đơn giản là trao đổi, trò chuyện – cho đến khi thấy không thể tìm được tiếng nói chung thì chia tay. “Các con tôi không phải đối mặt với không khí căng thẳng, vì mẹ cũng giải thích rất rõ là: giống như con đi học ở trường, có lúc thân với bạn này, nhưng rồi lại thấy không thân nữa, bố mẹ cũng vậy thôi.

Chuyện mẹ con chuyển ra ở riêng, tôi cũng nói rõ cho con biết. Thời kỳ đầu, chúng tôi thống nhất mỗi tuần bố về ở cùng vài ba tối, dần dần thưa dần cho các con quen, bớt thấy vắng. Khi nào con cần, bố vẫn có thể tới gặp. Dĩ nhiên, trong thực tế cũng có những sự khó khăn và căng thẳng, nhưng cái chính yếu nhất là hai bên đều cần phải bình tĩnh nói chuyện, và tránh gây chuyện trước mặt các con” – chị Hoa nói.

Khi bố mẹ chia tay, có lẽ khó khăn nhất sẽ là những đứa trẻ bị chia tách khỏi anh/chị/em – vì sự gắn bó của anh chị em trong gia đình là mật thiết ở lứa tuổi này. Chúng cảm thấy mất mát và cô đơn.  Khó khăn thứ hai là từ bố hoặc mẹ, do sống riêng, phải đối mặt với các vấn đề cảm xúc, tài chính ... sẽ không có nhiều thời gian chăm sóc con, chưa kể bản thân cũng căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh. Chị Hoa cho rằng “điều này càng làm gia tăng cảm giác cô độc ở trẻ”.

Bởi vậy, chị Hoa tự thấy “mình may mắn khi ly hôn nhưng các con đều ở cùng mình. Thật ra tôi chân thành mong các ông bố bà mẹ khi ly hôn thì hãy làm sao để trẻ đừng bị chia cắt, vì sự chia cắt của bố mẹ không làm các bé sốc bằng sự chia cắt với anh chị em trong nhà”.

Đi qua sự giận dữ, thù hận - con ta là người hưởng lợi

Rất nhiều gia đình sau ly hôn, trẻ trở nên lầm lì, khép kín, dễ bị cuốn vào những lối sống không lành mạnh, kết bạn xấu ... chính vì sự cô đơn và sợ hãi bên trong. Chưa kể tới việc bố/mẹ có những mối quan hệ mới và không cư xử khéo léo, làm trẻ càng cảm thấy bị bỏ rơi, tổn thương, dẫn tới hành vi phản kháng lại theo hướng tiêu cực.

Chị Hoa cho rằng, mối quan hệ của bố mẹ sau ly hôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới tâm lý của trẻ. “Tôi biết ai chia tay cũng mang nhiều nỗi hận trong lòng, có khi thù ghét người kia, nhưng sự thù ghét ấy không làm cho ai sung sướng cả, chưa kể sẽ mang nỗi khổ tâm tới cho trẻ. Tôi có nhiều điều không hài lòng với bố của bọn trẻ, nhiều lúc nỗi đau trồi lên, chỉ muốn trút lời chửi rủa cho sự bạc tình của người kia. Nhưng rồi lại nhận ra rằng, người khổ nhất lúc đó sẽ là những đứa trẻ.

Nếu ta có thể đi qua sự giận dữ, thù hận, và duy trì được một mối quan hệ tử tế với người cũ, thì con ta là người hưởng lợi. Nó sẽ vẫn có cả bố và mẹ, được quan tâm từ cả hai phía, mà không phải trở thành nơi chứa những nỗi tức giận của cả hai bên” – chị Hoa tậm sự. Cũng theo chị Hoa thì "do cuộc sống khó khăn nên rất nhiều gia đình sau khi ly hôn phải đối mặt với khó khăn kinh tế và phải lăn vào kiếm sống, làm đủ việc để nuôi con. Đúng vậy, nhưng thời gian cho con trẻ phải là ưu tiên số một".

“Trẻ con có thể ăn ít hơn, mặc đơn giản hơn, học ít hơn, nhưng tình thương yêu thì phải cần vô hạn độ. Mà tình yêu thương, có nghĩa là thời gian, nhất là một hai năm đầu tiên sau ly hôn, cần dành toàn thời gian rảnh cho con để con ổn định tâm lý. Tôi đã dành trọn vẹn nhiều năm tháng cho con, hầu như không ra ngoài ăn trưa, cafe, ăn tối. Bất kể lúc nào có thể là mang con đi theo, kể cả cho con nghỉ học đi cùng khi mẹ đi công tác tới nơi mà có thể có người trông nom con giúp” – chị Hoa kể lại.

Khi con còn nhỏ, chị Hoa không bao giờ bỏ bé ở nhà một mình mà luôn tìm người gửi con ở gần nhà, hoặc nhờ bà trông hộ khi có thể. Người mẹ đơn thân này tâm niệm, trẻ em rất cần được quan tâm, vì từ đó bé mới có cảm giác an tâm, an toàn. Do đó, mỗi ngày đi về chị luôn hỏi con hôm nay đi học thế nào, ở trường bạn ra sao, con vui hay buồn ... Sau này con lớn, đi du học, mẹ con ngày nào cũng nhắn tin từ sáng tới tối, chúc nhau ngủ ngon, nói yêu nhau, nhớ nhau, lắng nghe chuyện vui buồn của con.

“Tôi từng nhiều lần nhận được đề nghị làm việc với mức lương rất cao và vị trí tốt, nhưng tôi luôn từ chối. Có lần hỏi con: Nếu mẹ làm việc với lương 50 triệu/tháng, mua cho con mọi thứ con thích, nhưng  chỉ gặp con một tuần một lần thì con nghĩ sao?. Nó bảo, thà mẹ làm 5 triệu một tháng mà con gặp mẹ ngày ba lần như bây giờ con thích hơn nhiều. Con chẳng cần mẹ nhiều tiền. Chỉ cần mẹ có thời gian ở với con thôi. Tôi nói điều này chỉ để trả lời câu hỏi: làm thế nào để trẻ sống tốt sau ly hôn của bố mẹ? Với tôi là: Thời gian, sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô hạn” – chị Hoa nhấn mạnh.