Dân Việt

Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Hương Vũ 11/10/2016 13:32 GMT+7
Thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa, lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt không phải là mới, song các đối tượng chủ mưu thay đổi phương thức chiếm đoạt tiền nhằm đối phó với việc điều tra, bắt giữ của cơ quan công an...

Kẻ chủ mưu “điều khiển từ xa”

Ngày 6.10, đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP.Hà Nội cho biết vừa điều tra, bắt giữ 2 đối tượng người Trung Quốc tham gia trong ổ nhóm tội phạm chuyên giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Các đối tượng bị bắt gồm Zhao Xiao Mei (Triệu Tiểu Mỹ, 36 tuổi, ở thôn Đà Giang, trấn Hạ Đông, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) và Tan Shi Ren (Đàm Thi Nhân, 32 tuổi, ở thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Xuyên, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Chỉ trong vòng 5 ngày từ 25 đến 29.8, ổ nhóm tội phạm này đã đe dọa, ép buộc ít nhất 3 nạn nhân ở Hà Nội và Khánh Hòa chuyển vào tài khoản tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Trước đó, Đội 6 Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận được đơn của bà Trần Thị Mai (tên người bị hại đã được thay đổi) ở Hà Nội. Theo trình báo của bà Mai, ngày 24.8, bà bị một số đối tượng giả danh cơ quan công an, nhân viên viễn thông, sử dụng điện thoại trên nền Internet (Voice IP) gọi điện đe dọa, nói rằng đang điều tra một đường dây ma túy lớn, đối tượng chính khai nhận có quan hệ mua bán ma túy với bà Mai.

Để chứng minh không liên quan đến đối tượng ma túy này thì bà Mai phải chuyển toàn bộ 900 triệu đồng tiền tiết kiệm vào tài khoản do chúng chỉ định, sau khi điều tra, nếu không liên quan, chúng sẽ chuyển trả bà toàn bộ tiền. Bị đe dọa, bà Mai đã chuyển 900 triệu đồng vào 2 số tài khoản mang tên người Việt Nam theo yêu cầu của các đối tượng.

Tiến hành điều tra vụ việc, Đội 6 PC50 Công an Hà Nội đã bắt giữ Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren, là 2 đối tượng đã sang Việt Nam lấy 900 triệu đồng của bà Mai.

Kết quả điều tra cho thấy, Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren là các đối tượng buôn bán nông sản tại cửa khẩu Tà Lùng - Phục Hòa, Cao Bằng nên có quan hệ với một số người Việt Nam làm ăn và sinh sống tại khu vực biên giới, giáp ranh giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).

img

2 đối tượng Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren.

Zhao Xiao Mei khai nhận, khoảng giữa tháng 8.2016, anh trai của Mei là Zhao Wei Zhong nói chuyện có nguồn tiền bất minh cần nhờ tài khoản của người Việt Nam để chuyển vào, sau đó rút ra mang về Trung Quốc. Zhong nhờ Mei sang Việt Nam tìm người tin cậy mở tài khoản ngân hàng và rút tiền hộ Zhong. Anh ta hứa sẽ trả công cho Mei 2%/tổng số tiền rút được.

Mei đồng ý, sang Việt Nam tìm người mở tài khoản, hứa trả cho đối tượng người Việt Nam 1%/tổng số tiền được chuyển. Mei nhờ được 1 người Việt Nam ở Cao Bằng mở tài khoản ngân hàng theo đề nghị. Thông tin tài khoản được Mei chuyển về cho Zhong qua Wechat.

Đến ngày 24.8, số tài khoản này nhận được 600 triệu đồng do bà Trần Thị Mai gửi đến. Zhong bảo Mei sang gặp chủ tài khoản người Việt Nam để lấy tiền về. Khoảng 16h ngày 25.8, Mei nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu mạch, đến nhà chủ tài khoản tại thị trấn Tà Lùng - Phục Hòa lấy tiền thì bị Đội 6 PC50 Công an Hà Nội bắt giữ.

Đối với Tan Shi Ren, đối tượng này khai nhận được một người Trung Quốc tên Gang (quen qua Wechat) nhờ tìm giúp một số người Việt Nam mở tài khoản ngân hàng để nhận và rút tiền hộ. Lý do theo Gang cho biết, một người bạn của anh ta có rất nhiều tiền nhưng không thể sử dụng trực tiếp ở Trung Quốc nên phải dùng cách chuyển tiền qua Mỹ, sau đó chuyển về Việt Nam để hợp pháp hóa rồi rút tiền đưa về Trung Quốc. Gang hứa trả công hậu hĩnh nên Ren đồng ý.

Sau khi nhờ được một bạn hàng người Việt Nam mở tài khoản ngân hàng, Ren chuyển thông tin tài khoản cho Gang qua Wechat. Gang dặn khi nào trong tài khoản có tiền, Gang sẽ báo cho Ren. Nhiệm vụ của Ren là cùng chủ tài khoản người Việt Nam đi rút tiền, sau đó đưa cho một người Việt Nam được nhóm của Gang thuê đi nhận tiền rồi chuyển số tiền này sang Trung Quốc qua đường tiểu mạch.

Khoảng 11h ngày 25.8, Gang báo cho Ren trong tài khoản của người Việt Nam có 300 triệu đồng (là tiền của nạn nhân Trần Thị Mai gửi). Ren đã “ốp” chủ tài khoản đến ngân hàng rút luôn số tiền này. Ren trả công cho chủ tài khoản 1,5 triệu đồng, giữ cho mình 3,5 triệu đồng, còn 295 triệu đồng chuyển về Trung Quốc cho Gang.

Sau phi vụ trên, Gang tiếp tục gọi điện thoại cho Ren yêu cầu tìm thêm người Việt Nam mở tài khoản ngân hàng phục vụ việc rút tiền. Ngày 26.8, Gang báo có 280 triệu đồng (là tiền của một nạn nhân ở Hà Nội gửi) trong tài khoản. Lấy được số tiền này, Ren cho chủ tài khoản 4,5 triệu đồng, giữ lại 10,5 triệu đồng, chuyển cho Gang 265 triệu đồng.

Đến ngày 29.8, Gang lại báo có 150 triệu đồng (là  tiền của một nạn nhân nữ ở Khánh Hòa gửi). Lấy được tiền, Ren trả công cho chủ tài khoản 1,5 triệu đồng. Ngày 30.9, Ren từ Trung Quốc sang Việt Nam qua đường tiểu mạch để cùng chủ tài khoản ra ngân hàng rút tiếp  309 triệu đồng (do một nạn nhân vừa gửi) thì bị Đội 6 PC50 Công an Hà Nội phục kích bắt giữ.

Quá trình điều tra xác định 2 đối tượng Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren đã cấu kết với 6 người Việt Nam sinh sống ở Cao Bằng để mở tài khoản để nhận tiền của các nạn nhân. Cùng với việc bắt giữ 2 đối tượng trên, PC50 Công an Hà Nội đã kịp thời thu hồi trên 1 tỷ đồng cho người bị hại. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Zhao Xiao Mei và Tan Shi Ren để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Theo đại úy Nguyễn Minh Hoàn, thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa, lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt không phải là mới. Song, các đối tượng chủ mưu thay đổi phương thức chiếm đoạt tiền nhằm đối phó với việc điều tra, bắt giữ của cơ quan công an.

Trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại đã xảy ra trước đó, để có tài khoản ép buộc nạn nhân chuyển tiền vào, các đối tượng chủ mưu thường thuê người lao động, “cửu vạn” ở khu vực biên giới về các vùng quê, nơi người dân ít giao dịch với ngân hàng để mua thông tin thẻ tín dụng bằng cách hướng dẫn họ tới ngân hàng mở tài khoản thẻ tín dụng, sau đó bàn giao  thẻ và toàn bộ thông tin tài khoản cho các đối tượng.

Mỗi thẻ tín dụng như vậy được bán với giá 1-2 triệu đồng/thẻ. Khi có nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng sử dụng thẻ tín dụng mua được trực tiếp đi rút tiền.

Tuy nhiên, gần đây, các ổ nhóm tội phạm người nước ngoài đã chuyển sang chiêu thức mới. Chúng không mua thông tin thẻ tín dụng như trước mà thuê người dân sống ở khu vực biên giới, nhằm vào các đối tượng là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế để thuê họ mở tài khoản tại các ngân hàng.

Mỗi khi có nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, các đối tượng chủ mưu không lộ diện mà dùng các thủ đoạn như thuê người Trung Quốc sang Việt Nam qua đường tiểu mạch, “ốp” chủ tài khoản người Việt Nam ra ngân hàng làm thủ tục rút tiền rồi nhanh chóng mang về nước; thuê người Việt Nam làm ăn, buôn bán tại khu vực biên giới đi nhận tiền rồi mang sang Trung Quốc cho chúng hoặc hẹn chủ tài khoản mang tiền đến các khu vực giáp ranh biên giới 2 nước để giao nhận.

Tiền công mà các chủ tài khoản nhận được khoảng 1% trên tổng số tiền của các nạn nhân chuyển vào. Vì nhẹ dạ, thiếu hiểu biết và lòng tham, các chủ tài khoản người Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho các ổ nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề mà các ngân hàng và địa phương cần tăng cường tuyên truyền tới người dân để nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh giác trước các thủ đoạn lợi dụng của tội phạm.