Dân Việt

Muốn phát triển, doanh nghiệp phải “đá cặp” với nông dân

Hà Vũ 12/10/2016 07:00 GMT+7
“Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cơ hội chiến thắng trên thị trường quốc tế rất hẹp. Thậm chí, nếu không cố gắng hơn, những thị trường chúng ta đã mở sẽ có nguy cơ bị teo dần vì những lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, quản trị, công nghệ của chúng ta không được như họ”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh như vậy khi mở đầu buổi gặp gỡ, trao đổi mới đây với gần 30 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Trong cuộc gặp với gần 30 DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13.10.2004-13.10.2016), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã gửi lời tri ân, cảm ơn tất cả các DN trong nước đang tập trung phát triển chăn nuôi, bao gồm tất cả các khâu từ giống, thức ăn cho đến phát triển, quản trị, chế biến, chuỗi giá trị, thị trường thậm chí cả xuất khẩu.

Chăn nuôi đã có những bước tiến dài

Mở đầu câu chuyện với các DN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy ví dụ: “Vào những năm 1985-1986 mà mua được 100 con gà công nghiệp về nuôi là vô cùng vinh dự bởi tháng đó chắc chắn thu nhập cao gấp đôi lương. Cũng vào những năm đó, cả tỉnh lớn như Hà Tây (cũ) mà nuôi được 1.000 con lợn bố mẹ là vẻ vang lắm rồi”. Nguyên nhân là do hồi đó chúng ta chưa làm chủ được công nghệ. Đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi liên tục đạt 5-7% và chúng ta không chỉ đủ căn bản cho tiêu dùng trong nước mà ta còn xuất khẩu là hết sức tự hào”.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi gặp gỡ doanh nhân lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Ảnh: T.Q

Một cường quốc nông nghiệp mà công nghiệp phù trợ cho ngành chăn nuôi hầu như chưa có. Mua được một chuồng trại lợn của Thái Lan về lại mừng, rất tự hào là hỏng”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn các DN là những con chim đầu đàn về ngành chăn nuôi sẽ trở thành rường cột cho một tổ chức sản xuất nông nghiệp lớn, hiện đại. Mong muốn này không chỉ đúng với lĩnh vực chăn nuôi mà ở các lĩnh vực khác cũng rất cần những DN đầu tàu, đi tiên phong trong việc hình thành tổ chức sản xuất theo chuỗi, trong đó gắn kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã để tạo ra những mặt hàng nông sản có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã có thành công cốt lõi  là chúng ta chuyển từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, thiếu ăn, mỗi năm nhập khẩu đến 2 triệu tấn lương thực sang một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa không chỉ đảm bảo đủ thực phẩm cơ bản cho 90 triệu dân mà  còn dành xuất khẩu đến 30 tỷ USD, trong đó thăng dư tuyệt đối gần 10 tỷ USD. Chúng ta đã có tới trên 10 mặt hàng xuất khẩu thứ hạng cao thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đây là tiến bộ, cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó các DN có đóng góp rất lớn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn là nền nông nghiệp quy mô nhỏ bé, dựa trên hộ, tản mạn. Do đó, một nền nông nghiệp 13 triệu hộ nói chung, sản xuất diện rộng thì không thể hội nhập, không thể hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, không thể  hạ giá thành, không thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật, không có chuỗi giá trị cao.

“Việc khó nhưng phải làm”

img

Công nhân vệ sinh chuồng trại tại trang trại chăn nuôi quy lợn siêu quy mô lớn ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: T.Q

Tiếp cận sản xuất hiện đại

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, tiềm năng chăn nuôi của nước ta còn rất lớn, nhưng lớn tới đâu là tùy vào ý chí và quyết tâm của cả ngành nông nghiệp, nếu không đồng lòng thì không chỉ không khai thác được tiềm năng mà còn tụt hậu. Mục tiêu, phương châm chung tới đây của chăn nuôi là phải tiếp cận sản xuất hiện đại, dù sẽ khó khăn do vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán. DN của ngành chăn nuôi phải đạt ở đẳng cấp thế giới về mặt công nghệ, quản trị… Trong đó, lấy động lực sản xuất là thị trường, không chỉ là thị trường trong nước mà phải vươn ra thị trường lớn hơn. Đó mới là động lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển. 

Với tinh thần cởi mở, nhiều doanh nhân đã phản ánh, trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị nhiều giải pháp cho ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Như So- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco nhận định, vấn đề định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, tăng thu nhập cho người nông dân là cần thiết và cấp bách.

Muốn vậy, Nhà nước cần quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để đầu tư, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung… Cùng với việc khuyến khích thành lập DN, hợp tác xã kiểu mới, cần có chính sách riêng cho chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bền vững về môi trường.

Ông So nhận định: “Việc tiêu thụ của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào thương lái mua để bán sang Trung Quốc, khi họ hết nhu cầu thì người chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do khó tiêu thụ sản phẩm”. Chính vì vậy, ông So kiến nghị phải có thêm nhiều chính sách cho chăn nuôi nông hộ, ví dụ như xúc tiến trích lập quỹ rủi ro cho người chăn nuôi trong các chuỗi liên kết (do các DN lớn đóng). Đồng thời, nên đầu tư xây dựng hệ thống kho đông lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản trữ đông, có chính sách thu mua thực phẩm để dự trữ cho từng vùng, từng tỉnh khi giá thị trường xuống thấp.

Ông Trần Công Chiến- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu khẳng định, trong mô hình hoạt động của công ty, nông dân đóng vai trò chủ chốt và họ liên kết, hợp tác với DN. Thực tiễn mô hình này đã được công ty duy trì hiệu quả với trên 500 hộ nông dân liên kết với công ty để nuôi bò sữa. “Nhà nước không thể cắt đất của dân để giao tập trung cho công ty nuôi bò và thu lợi nhuận về. Họ vẫn có thể trồng ngô để nuôi bò và bán sữa cho công ty, hoặc chỉ cần trồng ngô bán làm thức ăn cho bò sữa cũng có lãi gấp 1,5 lần so với lấy hạt như trước” – ông Chiến nói.

Bên cạnh đó, công ty cũng áp dụng chính sách bảo hiểm vật nuôi, gia súc do nông dân tự quản lý. Theo đó, mức phí thu đối với mỗi con bò cái là 600.000 đồng; khi bò chết sẽ nhận được mức chi trả là 12 triệu đồng. Mô hình này hoạt động rất có hiệu quả, quỹ bảo hiểm này hiện đang kết dư 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều ông Chiến lo lắng là quy hoạch đất cho chăn nuôi luôn bị thay đổi và mức giá thuê đất quá đắt, DN bị đội chi phí lên cao và khó cạnh tranh với các đối thủ.

Lắng nghe DN trao đổi, điều khiến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường băn khoăn là chưa thấy có ý kiến DN nào đề xuất xây dựng ngành công nghiệp phù trợ. “Chúng ta phải nhập đủ thứ, từ cái máng lợn, bóng đèn... Phải khích lệ, phải biết cay mũi, người Việt Nam làm được những thứ lớn lao” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, quy mô lớn trong bối cảnh Việt Nam có 13 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ có 0,3ha, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Chúng tôi đã xác nhận trước sẽ làm liên kết với DN. Một là rất vất vả. Thứ hai, giá thành cao trước mắt, nhưng vẫn phải làm. Nếu liên kết với nông dân, khách nước ngoài đến thăm sẽ chấm điểm cao hơn. Đó là cái lợi về chiến lược”.