Tàu chìm bất ngờ
7h30 ngày 11.10, tàu hàng Cửa Tùng 01 của doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn (thị trấn Cửa Tùng) rời cảng biển Cửa Tùng chở vật liệu xây dựng cùng 44 người ra đảo Cồn Cỏ. Khoảng gần 10h, khi chiếc tàu đang rẽ sóng thì bất ngờ nước ngập vào khoan. Chiếc tàu nhanh chóng bị chìm cách đảo Cồn Cỏ trong sự hoảng loạn của 44 người bao gồm cả chiến sĩ công an, hải quân, bộ đội và nhiều công nhân đi nhờ tàu.
Nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng, anh Hồ Ngọc Hiếu (thị trấn Cửa Tùng) - lái tàu Cửa Tùng 01 cho biết, lúc phát hiện tàu gặp sự cố đã gọi điện thoại cho một ngư dân Lê Văn Hiếu cùng một số đơn vị khác ứng cứu. Nhưng tàu chìm khá nhanh nên mọi người vớ vội phao, thúng thoát ra khỏi tàu rồi lênh đênh giữa sóng nước. Chẳng ai nghĩ mình sẽ được cứu sống, ai nấy đều hoảng loạn.
Chiếc thuyền đi câu của ngư dân Lê Văn Hiếu đã cứu các nạn nhân trên tàu hàng Cửa Tùng 01.
Anh Lê Văn Hiếu (1975, trú thôn An Đức 2, TT Cửa Tùng), chủ tàu cá mang biển kiểm soát QT 21106 TS, 44 CV kể lại, anh cùng 6 thuyền viên ra khơi lúc 6h sáng 10.10 để đi câu cá khu vực quanh đảo Cồn Cỏ. Anh Hiếu dự định ra khơi 7 ngày mới vào bờ. Thế nhưng, lúc đang câu ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ 3 hải lý, cách bờ 15 lý thì nhận được cuộc điện thoại của anh Phan Văn An (thuyền viên tàu bị nạn) điện báo gặp sự cố cần ứng cứu cách đó khoảng 5 lý theo hướng Tây Nam hướng vào đảo.
Vượt sóng cứu người
Chẳng phút mảy may suy nghĩ, anh Hiếu lập tức cho bạn thuyền ngừng tay, thẳng hướng tàu nơi tàu bị nạn với vận tốc tối đa. Anh Hiếu nhớ lại, đến nơi tàu bị nạn là khoảng 10h30, thấy mấy chục người đang lênh đênh giữa biển khiến anh hoảng hồn.
Anh Trần Văn Tuân (ngư dân trên thuyền đi câu) kể lại quá trình cứu các nạn nhân.
Một phút định thần, anh Hiếu lệnh cho anh em bạn thuyền gồm: Nguyễn Văn Tý (1982, trú khu phố Hòa Lý); Trần Văn Tuân (SN 1982, trú An Hòa 2); Hồ Ngọc Vĩnh (SN 1976, trú An Đức 2); Đào Văn Hải (SN 1978, trú An Đức 2); Phan Văn Đức (SN 1972, trú An Đức 1); Trương Minh Khánh (SN 1962, An Hòa 2 cùng trú tại thị trấn Cửa Tùng) đôi dây phao lưới và dùng thúng chèo ra vớt người bị nạn.
“Lúc đó họ đã quá mệt, lạnh cóng chân tay vì đã ngâm nước ít nhất 30 phút. Nhiều người suýt ngất xỉu. Trong đó có một phụ nữ lúc được cứu lên chiếc thúng chai thì còn thở nhưng sau đó vì đuối sức nên qua đời. Đó là điều chúng tôi thấy áy náy” - anh Hiếu nói.
Phải mất 30 phút chiếc thuyền câu cá của anh Hiếu mới vớt hết 44 người bị nạn. 1 tiếng đồng hồ sau đó tàu của doanh nghiệp Ngọc Tuấn điều ra san người để cùng đưa vào bờ. Ngư dân Trần Văn Tuân cho biết, lời nguyền người đi biển lâu nay không được cứu người gặp nạn trên biển, vì nếu cứu coi như tranh cơm của Hà bá. Thế nhưng, lúc đó anh em chẳng suy nghĩ gì, chỉ biết ra sức cứu người. Cứu người xong anh em chúng tôi cũng mệt lử”.
12h20 trưa cùng ngày, 43 nạn nhân vụ chìm tàu được đưa vào cảng Cửa Tùng và nhanh chóng được sơ, cấp cứu hồi phục sức khỏe. Riêng người phụ nữ tử vong được xác định là bà Nguyễn Thị Huệ (53 tuổi, trú khu phố 5, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đi nhờ tàu hàng ra đảo Cồn Cỏ để nấu ăn cho 1 doanh nghiệp xây dựng.
7 thuyền viên trên tàu anh Lê Văn Hiếu đã cứu tàu hàng Cửa Tùng 01.
Ông Lê Minh Tuấn - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, lúc tàu hàng gặp sự cố thời tiết trên biển khá tốt nên nguyên nhân chìm tàu chắc chắn không phải do sóng to, gió lớn. Việc tàu hàng có chở quá tải hay không hiện nay cơ quan điều tra đang làm rõ. Sau khi khám nghiệm tử thi xong, thi thể nạn nhân Huệ đã đưa được về gia đình lo mai táng.
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh rất hoanh nghênh tinh thần nhân đạo của 7 thuyền viên trên tàu anh Lê Văn Hiếu đã kịp thời ứng cứu tàu gặp nạn.
“UBND tỉnh sẽ có khen thưởng đối với những người cứu tàu gặp nạn. Đó là một tinh thần, nghĩa cử cao cả” - ông Chính nói. Ông Chính cho biết thêm đang chỉ đạo các ngành liên quan làm rõ nguyên nhân vụ việc.