Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (ảnh) - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An giải đáp:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 266 Bộ luật Dân sự, “chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình”. Và khoản 1 Điều 267 bộ luật này quy định: Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Mảnh đất của bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bạn là người sử dụng đất hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc lấn, chiếm đất đai là hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, nếu hàng xóm xây hàng rào và lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, khi có tranh chấp đất đai xảy ra, Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp không thể thương lượng, tự hòa giải hoặc thương lượng, tự hòa giải không thành thì theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, bạn có quyền gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Vì đất của gia đình bạn đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành, theo khoản 1, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013, bạn được quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp hoặc nơi bị đơn cư trú để giải quyết.