Một doanh nhân (xin phép độc giả được giấu tên) đã thẳng thắn bộc bạch tâm tư của mình, từ góc nhìn của một cá nhân, không đại diện cho đa số doanh nhân.
Môi trường không công bằng, vẫn dựa vào quan hệ
Ông là một doanh nhân có nhiều điều kiện làm ăn, hợp tác với nước ngoài, vậy trăn trở thường trực trong ông là gì?
- Ðáng lo ngại nhất là trong khi tài nguyên thiên nhiên của đất nước có hạn, doanh nghiệp không thể dựa vào đó mà phải dựa vào tài nguyên “con người” để phát triển. Có những doanh nhân gặp tôi nói rằng, họ có rất nhiều tiền nhưng đôi khi vẫn cảm thấy bế tắc. Họ trăn trở: “Tại sao mình làm đúng mà vẫn bị thanh tra, vẫn bị chèn ép, không được tôn trọng”, rất nhiều câu hỏi “tại sao?”...
Tôi thấy nhiều người phàn nàn, kêu ca nhưng rất ít các giải pháp được đưa ra. Chúng ta không đối xử với nhau một cách công bằng và chuyên nghiệp. Chủ yếu vẫn là “hành” lẫn nhau, ghen ăn tức ở, người tốt thua thằng cùn, doanh nghiệp lớn sợ doanh nghiệp làm ăn bậy bạ. Thậm chí, những doanh nghiệp có thương hiệu, tên tuổi lại bị các doanh nghiệp mới thành lập “ăn bám” vào thương hiệu, sản xuất hàng giả, hàng nhái cạnh tranh. Những điều đó đang kìm hãm sự phát triển chung của xã hội.
Ảnh minh họa
Nhiều lúc tôi thắc mắc: Xã hội bây giờ thật kỳ lạ, toàn chạy đi ca ngợi những doanh nhân đi xe sang, hoặc tán thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân giàu có mà không biết rằng một số người trong họ làm giàu bằng con đường nào? Liệu có phải họ tận dụng kẽ hở của cơ chế để lấy các tài nguyên của đất nước làm giàu cho mình. Họ đang làm ăn lếu láo, nhưng ghi nhận họ như những doanh nghiệp mạnh, những điển hình làm ăn kinh tế giỏi...
Trong một môi trường không có sự công bằng, đi đâu cũng phải có quan hệ. Bản thân tôi là một doanh nghiệp, nhiều khi cứ thấy mình mất đến 20-30% thời gian cho những việc không đâu vào đâu. Ðể gây dựng quan hệ lại phải luồn lách, đi giao lưu, gặp gỡ ăn nhậu, phải đút lót, nịnh bợ,... Vướng mắc chỗ nào thì phải gặp ông A, bà B để nhờ vả, chạy chọt...
Ông nhìn nhận cơ hội làm ăn chân chính ở nước ta như thế nào?
- Hiện nay Chính phủ đang đi theo hướng liêm chính và kiến tạo thì tại sao không có công chức liêm chính và doanh nghiệp liêm chính? Doanh nghiệp liêm chính là doanh nghiệp tôn trọng minh bạch, không lũng đoạn nữa, đừng “đổ thêm dầu vào lửa”. Chẳng hạn, người dân - doanh nghiệp ra đường bị công an thổi còi phạt, doanh nghiệp - người vi phạm thường tự động đưa tiền để chạy tội. Tóm lại, tất cả đều ngại giải quyết, và doanh nghiệp cứ đưa tiền càng khiến một bộ phận tiếp tục nhận tiền, tham nhũng... Khi hội nhập, anh phải minh bạch, liêm chính, đề cao trách nhiệm. Ở nhiều nước, các doanh nghiệp thường hiến tặng tài sản, làm từ thiện; doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế, hay khởi nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên... rất tốt.
Chính phủ hô hào thì các cấp bộ, ngành, chính quyền cấp dưới phải cùng đồng thuận, đồng lòng thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy chính quyền ở ta quá cồng kềnh, cần phải thanh lọc, tăng cường sử dụng máy móc, công nghệ để làm việc hiệu quả. Doanh nghiệp bây giờ rất nhiều “bệnh tật”. Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp, tiến tới sẽ có 1 triệu doanh nghiệp thành lập. Thế nhưng, bây giờ rất nhiều doanh nghiệp thành lập xong rồi chỉ đi bán hóa đơn. Chẳng hạn, vừa rồi, tôi có cuộc trò chuyện với một cán bộ, được biết có những doanh nghiệp trốn thuế hàng chục tỷ đồng, chuyển công ty cho ông bố, bà mẹ hoặc người thân bị ung thư sắp chết. Khi công an ập vào thì người chủ chết mất rồi.
Thật ra, ở Việt Nam, nếu kinh doanh bài bản, nghiêm túc thì doanh nghiệp chỉ lãi 15%-20% trên vốn là rất tốt rồi. Nếu lãi như vậy thì làm sao giàu nhanh được? Do vậy, một số doanh nghiệp muốn giàu nhanh tìm cách “mafia”, chấp nhận làm bậy, buôn gian bán lận.
Chấp nhận cái thứ “bệnh hoạn”?
Dường như có không ít doanh nhân đi đâu cũng thấy họ khoe mẽ quan hệ là chính?
- Bây giờ nhận thức của xã hội mình cũng có vấn đề, cứ ông nào nhiều tiền là nhảy vào ca ngợi. Nói thật chứ, có một số ông ngân hàng sử dụng tiền huy động để lập công ty con mua bán, đến khi đổ vỡ, không biết thế nào. Thế nhưng, mình vẫn chấp nhận cái “bệnh hoạn” ấy.
Nhiều cán bộ công quyền thực sự có tâm, có tài còn bị chèn ép, không được trọng dụng. Cái tốt còn ít, chưa được ca ngợi, chưa có sức lan tỏa. Cái “bệnh hoạn” ở các doanh nhân có thể thấy rõ như khi ngồi với nhau, các ông khoe: Có quan hệ anh A, anh B, anh C, anh D đứng chống lưng…
Nói vậy có bi quan không, cần biết rằng Chính phủ đang đề cao sự liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân?
- Chính phủ liêm chính nhưng cấp dưới chưa liêm chính, nói cách khác “trên thông dưới chưa thoáng”. Quy chế, quy định được Chính phủ đưa ra mà bản thân người quan chức đấy không liêm chính thì chả giải quyết được gì. Ðơn cử như việc đấu thầu các dự án cứ bảo công khai, dân chủ nhưng thực tế không ít dàn dựng “quân xanh, quân đỏ”. Theo tôi, bộ máy chính quyền phải thu gọn lại, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp; phải trọng người tài theo kiểu một vài người tài thì tranh cử chọn lấy 1 người tài; phải để cho dân giám sát và đánh giá.
Chính phủ đã tuyên bố mạnh mẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, coi trọng kinh tế tư nhân... Ðó là những tín hiệu tích cực. Vậy theo ông làm sao để thông điệp đó phát huy hiệu quả?
- Theo tôi, điều quan trọng là nói đi đôi với hành động, phải đưa ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để doanh nghiệp thực thi. Chứ Chính phủ nói và chỉ đạo thế nhưng trong thực tiễn thì quan chức vẫn không lắng nghe doanh nghiệp, vẫn cửa quyền, nhũng nhiễu thì không thành công được. Chúng ta có chấp nhận để cho toàn dân chống tham nhũng không? Có ai giấu được dân mãi đâu!
Giấu mặt mà phát biểu thì ai chả nói được, thưa ông?
- Tôi nghĩ trong lúc này nên chấp nhận những lời nói thật và nói thẳng. Có như thế chúng ta mới dũng cảm sửa chữa được. Tuy nhiên, trong thời gian này để ai đó nói thẳng và nói thật mà không giấu tên thì rất khó và dễ bị gây nhiều phiền phức. Do vậy cứ nên giấu mặt và tôi cũng vậy.
Cám ơn ông!