Dân Việt

NTM Phú Thọ: Dấu ấn từ sự sáng tạo

Trọng Nhân (TTV) 16/10/2016 07:00 GMT+7
Sau hơn 5 năm triển khai, dấu ấn XDNTM tỉnh Phú Thọ được tạo nên từ những giải pháp, cách làm sáng tạo. Diện mạo nông thôn khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng ngày càng được nâng cao.

Chú trọng phát triển sản xuất

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai XDNTM, tỉnh đã lựa chọn những tiêu chí quan trọng làm trước, nhất là các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống của người dân.

Chủ trương này được triển khai thông suốt từ tỉnh tới các địa phương thông qua các Nghị quyết về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020; phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp, thuỷ sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tỉnh Phú Thọ đến năm 2020… Tỉnh còn tập trung chỉ đạo, tăng cường phát huy vai trò của HTX trong XDNTM. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh còn chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa; sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

img

Nhiều địa phương đã tới Phú thọ để học hỏi kinh nghiệm XDNTM. ảnh:T.L

Khi XDNTM đã đi vào đời sống, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư cùng đó, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2015, có 121/247 xã đạt tiêu chí thu nhập (tăng 39,2% so với năm 2011), thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 22,3 triệu đồng/người/năm; có 108/247 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (tăng 29,9% so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,89% (giảm 8,6% so với năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 16,55%).

Dấu ấn từ sự sáng tạo

Để hoàn thành mục tiêu XDNTM trong giai đoạn tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, từng bước tăng số lượng tiêu chí nông thôn mới đạt được của các xã, lựa chọn những nội dung dễ, cần ít kinh phí làm trước. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình XDNTM, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch XDNTM đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí NTM của tỉnh và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình.

Trên tinh thần đó, tỉnh cũng nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: Chính sách hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp; chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở; đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình phát triển giao thông nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Chương trình huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội then chốt; quy định tỷ lệ thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để lại ngân sách cấp xã cho XDNTM.

Để tạo sự thống nhất trong triển khai, UBND tỉnh còn  ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cấp xã quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản để áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù... Các cơ chế chính sách được ban hành đầy đủ, kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình.

Qua 5 năm thực hiện XDNTM đã có những chuyển biến tích cực với những cách làm hay, các mô hình tốt được nhân rộng. Tại xã Thượng Nông (huyện Tam Nông) đã họp bàn với toàn thể bà con các khu dân cư và thống nhất triển khai gắn biển tên đường, đánh số nhà theo thứ tự. Đường làng có biển tên, biển báo giới hạn tải trọng xe, đèn chiếu sáng. Các hộ gia đình giúp chính quyền quản lý tốt hơn về mặt hành chính, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Còn tại xã Chí Đám (Đoan Hùng) đã làm tốt công tác “xã hội hoá XDNTM” qua việc huy động công sức đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế. Tại xã Bằng Luân (Đoan Hùng), toàn bộ kinh phí đầu tư của Nhà nước làm đường GTNT được mua xi măng giao lại cho khu dân cư, nhóm hộ để họ chủ động bàn bạc, thống nhất hiến đất, đóng góp cát, sỏi, ngày công lao động tiến hành thi công. Nhờ đó, chỉ với kinh phí 1,2 tỷ đồng, xã đã làm được 15km đường GTNT đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại của bà con…

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, do còn nhiều khó khăn, để huy động nguồn lực XDNTM, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp và phát huy vai trò của nông dân. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trao quyền tự chủ nhiều hơn cho người dân thông qua việc để người dân được tham gia đóng góp ý kiến vào các công việc chung của địa phương như: lập quy hoạch, đồ án XDNTM, lập các dự án phát triển sản xuất, trực tiếp tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực hiện các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Việc trao quyền tự chủ đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, giúp cho việc triển khai các nội dung của chương trình nhận được sự đồng thuận cao đồng thời vai trò của người dân trong XDNTM được thể hiện rõ nét hơn. Với cách làm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự tham gia đóng góp nguồn lực cả về vật chất và trí tuệ của người dân nông thôn. /.