Hợp đồng điện tử khi sử dụng ứng dụng kết nối hành khách và tài xế.
Khó quản lý Uber
Theo báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị “Sơ kết 9 tháng triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” vào ngày 13.10, hiện Việt Nam chỉ mới có 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm, đó là GrabCar của Công ty TNHH Grab Việt Nam, V-Car của Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) và Thanh Cong Car của Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội.
Trường hợp ứng dụng Uber của Công ty Uber B.V. Hà Lan, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với đại diện Uber để trao đổi, hướng dẫn công ty này xây dựng đề án thí điểm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tới nay, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan vẫn chưa nhận được đề án hoạt động thí điểm của Uber.
“Công ty Uber B.V. Hà Lan hiện không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng thương mại điện tử. Lý do là Nghị định 52 và Thông tư 59 chỉ áp dụng đối với các website, ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam”, Bộ GTVT giải thích.
Cũng theo Bộ GTVT, ngày 24.8 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT 3% như đối với dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải, cũng như là dịch vụ vận tải.
Kiến nghị "triệt tiêu Uber"
Còn theo báo cáo của Công ty TNHH Grab Việt Nam, hoạt động kinh doanh phần mềm Grab của đơn vị này hiện đang được cơ quan thuế xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ, và chịu mức thuế GTGT 5%.
Về hiệu quả thực tế, trung bình hành khách cần chờ khoảng 5 phút sau khi sử dụng phần mềm Grab để đặt xe. Ngoài ra, Grab cho hệ số sử dụng quãng đường (tỉ lệ giữa số Km có khách trên xe so với 100Km xe lăn bánh) khá cao, tại Hà Nội là 88,1% và TP.HCM là 89,6%.
Grab cho biết thêm, công ty vừa được cấp chứng chỉ ISO 9001:2015, trở thành công ty đầu tiên trong lĩnh vực này được bảo chứng toàn cầu về khả năng quản lý chất lượng và quy trình điều hành.
Quang cảnh hội nghị.
Đối với ứng dụng V-Car, Công ty Cổ phần Ánh Dương báo cáo: Thời gian tới nới đón khách bình quân là 3 phút, hệ số sử dụng quãng đường (số Km có khách trên xe so với 100Km xe lăn bánh) tại TP.HCM là 62,3% và tại Khánh Hòa là 47,2% - mặc dù còn thấp nhưng cao hơn 10% so với xe taxi truyền thống. Dự kiến, V-Car sẽ có mặt thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp.
Đặc biệt, trong hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Ánh Dương kiến nghị: "Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp nhằm triệt tiêu việc dùng phần mềm bất hợp pháp để hút hành khách, làm tăng lượng "xe mù", gây rối loạn thị trường như Uber".
Đánh giá về công tác quản lý mô hình vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa thẳng thắn nói: “Ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải là tốt, nhưng tôi thấy cả Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đều đang rối như canh hẹ trong việc tìm giải pháp quản lý xe trá hình trà trộn trong xe hợp đồng”.
Trước các đóng góp, kiến nghị của các bên liên quan, đại diện Bộ GTVT khẳng định: Trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế, ngang nhiên coi thường pháp luật. Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các website, ứng dụng di dộng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải hành khách theo hợp đồng. |