Rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền địa phận tỉnh Thừa Thiên- Huế. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9-10, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm.
Một cây xanh lớn nằm cạnh quán cà phê ở khu đô thị An Vân Dương bị gió quật ngã.
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, gió mạnh vào sáng 14.10 đã gây thiệt hại nặng cho địa phương này, nhất là về cây cối, hoa màu và nhà cửa của người dân. Hiện cơ quan này đang chờ thông tin từ các địa phương để có báo cáo cụ thể.
Theo ghi nhận của Dân Việt, vào rạng sáng nay, gió mạnh đã khiến cây xanh trên địa bàn TP.Huế gãy đổ ngổn ngang, nhất là ở các tuyến đường ở vùng bờ Bắc sông Hương. Tại đây, rất nhiều cây xanh cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm bị gió bẻ gãy, thân và cành đây đổ xuống đường gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Cũng ngay trong sáng 14.10, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã khẩn cấp điều người và phương tiện đến các tuyến phố xử lý những cây xanh bị gió quật gãy để giải phóng giao thông.
Theo Chi cục Phòng chống thiên thai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), do ảnh hưởng kết hợp của ATNĐ, gió mùa Đông Bắc và nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to đến hết ngày 15.10 (tổng lượng mưa dự báo trên 150mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 200-300mm), Đà Nẵng đến Quảng Ngãi 50-100mm. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế (bao gồm đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, Vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, tại khu vực biên giới xã Thượng Thạch (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) mực nước suối Cà Roòng dâng cao 1,5m khiến các bản Cu Tồn, Cóc, Mê Lý, Cồn Roàng, Cà Roòng 1 bị chia cắt; Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) bị ngập sâu khoảng 0,5m. Đường Hồ Chí Minh Đông đoạn bắc đèo Đá Đẻo (Km 909-:-911) nước ngập sâu 0,8m gây tắc đường. Còn tỉnh Quảng Trị đã chủ động cắt điện đảm bảo an toàn. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cắt điện cục bộ tại địa bàn một số địa phương như TP Huế, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, Hương Thủy, Phú Lộc…
Dự báo sáng 14.10, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An sẽ lên. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động BĐ1-BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức Báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... rất lớn.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa tính đến 22 giờ ngày 13.10, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 42.860 tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ gần bờ để chủ động phòng tránh. Hiên đã có 36.388 tàu đã vào nơi neo đậu và hoạt động ven bờ…
Một số hình ảnh cây xanh gãy đổ vào rạng sáng 13.9 tại TP.Huế do PV Dân Việt ghi lại:
Gốc cây này bị gió bứng lên khỏi mặt đất.
Cây xanh nằm trước bến xe Nguyễn Hoàng bật gốc sau gió mạnh.
Một cây phượng lâu năm đổ rạp bên đường.
Cây xanh gãy đổ ngổn ngang gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại một tuyến đường thuộc nội thành Huế.
Cây phượng nằm trước một di tích gốc bật khỏi mặt đất.
Hàng loạt cây phượng vàng lâu năm trên đường Lê Huân cành gãy rạp.
Một cây xanh bị gió bẻ gãy đôi thân cây.
Đây là hình ảnh người dân bắt gặp rất nhiều tại các tuyến đường ở TP.Huế vào sáng nay.
Cây xanh bật gốc chắn ngang đường Trần Hưng Đạo đoạn trước chợ Đông Ba.
Cây xanh lâu năm tại khuôn viên Bảo tàng Văn hóa Huế bị gió quật gãy cành.
Rất nhiều người dân tại Huế tranh thủ ra đường phố lấy củi sau khi hàng loạt cây xanh gãy đổ.