Dân Việt

Ba hướng cải cách lương công chức, viên chức

Minh Nguyệt 14/10/2016 13:07 GMT+7
Trong một Hội thảo về “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức tuần qua, nhiều chuyên gia đã đề ra ba cách hữu hiệu để cải cách, tăng lương cho công nhân viên chức.

 Giảm đội ngũ “cắp ô”

Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì hiện nay có tới 30% công chức không làm được việc, tương đương với 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm. Có 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên, nói cách khác đó chính là tình trạng “chân trong, chân ngoài. Nếu giảm được đội ngũ này thì mới hy vọng cải cách được tiền lương.

“Chính vì vậy, việc cải cách tiền lương phải được thực hiện đồng bộ với cải cách cơ bản đội ngũ công chứ hành chính Nhà nước. Đây là hai mặt của cuộc cải cách, chúng ta không chỉ nghiên cứu tăng lương, mà phải thanh lọc một bộ phận công chức, dựa dẫm hoặc lợi dụng vị thế quyền lực mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến chính quyền”.

Cùng theo đó, là đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính Nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, để tiết kiệm tài chính, từ đó thêm nguồn trả lương cho cán bộ nhân viên. Một mặt cắt giảm công chức yếu năng lực biến chất, mặt khác phải tuyển chọn, bố trí nhân lực chất lượng bổ nhiệm vào chức danh chủ chốt.

img

Hơn 700 nghìn công chức “cắp ô” tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng mỗi năm (ảnh minh họa Internet).

Tách lương công nhân viên chức

Ngoài việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công, nhân viên chức thì theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ Nội Vụ) cho biết: Giải pháp cải cách tiền lương sẽ là phân tách giữa lương công chức và viên chức. Đồng thời, sẽ có sự điều chỉnh tăng lương từng bước, tăng từng bộ phận. Ví dụ bộ phận công chức, viên chức có lương thấp thì sẽ tăng cao, cán bộ, công nhân viên chức lương cao thì tăng thấp. Mục tiêu hướng tới là kéo dần mức chênh lệch lương để mức lương của công nhân viên chức đảm bảo duy trì đủ sống, tạo điều kiện nâng cao chất lượng công việc và năng lực của đội ngũ công chức.

“Trước hết cần thực hiện tinh giảm viên chức, thực hiện khoán lương. Thực hiện tiết kiệm các khỏan chi như hội họp, đi công tác để dành quỹ lương. Đối với đơn vị sự nghiệp, cần đổi mới hoạt động của đơn vị này theo hướng tự chủ. Tuy nhiên không thể tính hết vào chi phí thì người dân cũng khó khăn. Với những khu vực có điều kiện kinh tế thì phải tính đúng tính đủ, còn đối với những khu vực khó khăn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần”, ông Dũng nói.

Ông Đặng Như Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội cũng cho rằng: Muốn cải cách tiền lương cần phân chia  rõ lương của lương lực lượng vũ trang và lương của công nhân viên chức và lương lao động. Cần phảm đảm bảo lương của cán bộ công nhân viên chức thấp nhất phải bằng bình quân tiền lương của lao động khu vực doanh nghiệp.

Ông Lợi cho rằng lương công chức là lương nhân danh Nhà nước để thi hành công vụ, còn lương của viên chức là lương của hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp có thể được xã hội hoá.

 Cắt giảm phụ cấp không cần thiết

Ông Đặng Như Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội cho biết, hiện nay có khoảng 16 khoản phụ cấp, riêng với lực lượng vũ trang cũng còn khoảng hơn chục loại phụ cấp nữa. “Nhìn chung việc bỏ sung và mở rộng các chế độ phụ cấp từ năm 2004 đến nay ngày càng chắp vá, vô lý, bất cập góp phần phá vỡ quan hệ tiền lương chung” – ông Lợi nói. Chính vì vậy, cần tập trung vào việc xác định các bảng lương, sau đó cân đối định hướng, quy định các khoản phụ cấp kèm theo.  Đồng thời, cắt bỏ tiền chế độ hội họp, giảm tiền đi công tác phia.