Dân Việt

Quảng Bình: Doanh nghiệp đề nghị tiêu hủy toàn bộ hải sản tồn kho

Phan Phương 14/10/2016 16:02 GMT+7
“Sau khi kiểm nghiệm, các lô hàng hải sản dù được xác nhận là an toàn nhưng nói thật bán cũng không ai mua, bởi tâm lý của người dân họ vẫn rất lo ngại. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị Nhà nước, các cơ quan chức năng hủy toàn bộ số cá còn tồn động sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra…” – các doanh nghiệp thu mua hải sản trên địa bàn Quảng Bình kiến nghị.

Liên quan đến việc gần 4.000 tấn hải sản mà các doanh nghiệp thu mua của bà con ngư dân đánh bắt xa bờ sau sự cố môi trường biển do Formosa xả thải gây ra, hiện đang tồn tại các kho lạnh, cấp đông, sáng nay (14.10), ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Y tế được giao chủ trì phối hợp Sở NNPTNT, Sở Công thương và các địa phương liên quan thành lập các đoàn công tác thực hiện kiểm tra, phân lô và lấy mẫu xét nghiệm để có hướng giải quyết các lô hàng nêu trên, và kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn hải sản.

img

Hải sản tồn ở các kho đông lạnh tại Quảng Bình đang chờ xử lý.

Cụ thể, nếu các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ được cấp giấy xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm để lưu thông và tiêu thụ; nếu các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ tổ chức tiêu hủy theo quy định và sẽ hỗ trợ cho các cơ sở thu mua, tạm trữ hải sản theo Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển.

“Trong ngày hôm qua (13.10), đoàn công tác liên ngành đã lấy hơn 120 mẫu hải sản tại các kho đông của các doanh nghiệp và đã gửi ra Bộ Y tế để kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ có những đề xuất lên UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cấp trên có các bước giải quyết tiếp theo” – ông Cường nói.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, bà Trương Thị Mười - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, cho biết hiện trong kho đông lạnh ở cảng cá Nhật Lệ (Quảng Bình) của công ty cũng tồn 640 tấn cá, trị giá khoảng 30 tỷ đồng.

“Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ để các doanh nghiệp hủy toàn bộ số cá tồn kho nêu trên. Bởi vì, sau khi kiểm nghiệm, các lô hàng hải sản dù được xác nhận là an toàn thì nói thật bán cũng không ai mua, bởi tâm lý của người dân họ vẫn rất lo ngại. Mặt khác, phần lớn số cá tồn kho nêu trên đều được đánh bắt trước tháng 6.2016, dù đều là cá đánh bắt xa bờ, nhưng vì cấp đông quá lâu nên hiện tại chất lượng cá đã không còn đảm bảo nữa. Sau khi hủy toàn bộ số cá này, số hải sản mới ngư dân đánh bắt các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, kiểm nghiệm chất lượng, có như vậy người tiêu dùng mới yên tâm ăn hải sản trở lại ” – Bà Mười đề nghị.