Triển khai quyết định trên, Thông tư liên bộ ngày 14.3.2011 của Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính có quy định thêm: Những tàu cá nào nếu muốn được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010, điều kiện trước tiên là, trong sổ hành trình ra khơi của mình phải được xác nhận bằng con dấu đỏ của nơi đến. Đó là tàu hải quân, nhà giàn và chính quyền huyện đảo Trường Sa.
Con dấu đỏ kia sẽ đảm bảo việc tàu của ngư dân đã có mặt tại vùng biển ấy. Việc quy định nói trên đã buộc các tàu cá phải “ghé vô” những nơi quy định để đóng dấu thì mới nhận được kinh phí hỗ trợ, dù rằng để đóng được con dấu đỏ ấy, nhiều tàu cá phải “chạy ráng” vài ba chục hải lý nữa!
Đối với tàu cá của một số nước Đông Nam Á, việc xác định tọa độ của một chiếc tàu đang hoạt động tại đâu là điều khá dễ dàng nhờ vào hệ thống thiết bị vệ tinh được gắn trên tàu. Trung tâm điều khiển trên bờ, chỉ cần nhìn vào màn hình là có thể xác định được chiếc tàu đó đang ở đâu.
Còn với tàu cá Việt Nam, phương tiện đánh bắt thô sơ, các thiết bị vệ tinh để xác định vị trí tàu hãy còn là món hàng xa xỉ thì việc bắt ngư dân phải đóng con dấu đỏ là việc dĩ nhiên- theo quan niệm của những người soạn văn bản để ra quyết định. Nhiều ngư dân, để tránh phiền phức khi phải chạy thêm vài chục hải lý nữa để “đóng dấu đỏ”, họ đành phải bỏ cuộc. Việc “máy móc” trong quy định để được nhận hỗ trợ, vô tình đã làm khó ngư dân!
Những vướng mắc trên đây mới chỉ áp dụng với số tàu cá đánh bắt ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, còn đối với Hoàng Sa, dẫu ngư dân có muốn “chạy ráng” cả trăm hải lý nữa để đóng dấu đỏ thì cũng đành chịu thua vì nơi ấy... quá xa. Mà Hoàng Sa thì chỉ có ngư dân Quảng Ngãi hoạt động nên sự thiệt thòi này không ai khác ngoài những chiếc tàu của ngư dân thuộc hai huyện Lý Sơn và Bình Sơn của Quảng Ngãi.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 1.770 tàu cá đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường quen thuộc là Hoàng Sa và Trường Sa. Để đóng được con dấu đỏ ở Trường Sa đã khó nói gì đóng dấu đỏ ở Hoàng Sa! Vì vậy, các cơ quan soạn thảo văn bản để ra các quyết định và thông tư trên đây cũng cần xem xét lại để tránh thiệt thòi cho ngư dân- những người đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia. n
Hà Nhiên