Trong 8 năm, từ 2002-2010, nhập siêu từ Trung Quốc tăng gấp 8 lần. Năm 2010, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là 12,7 tỷ USD, trong đó nhập khẩu rau quả nguồn gốc Trung Quốc lên tới 156,13 triệu USD, chiếm 53,1% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả. Báo cáo kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2011 của Chính phủ cũng cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 21,7%; chiếm tỷ trọng 22,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Xe chở nông sản xếp hàng chờ thông quan ở Lào Cai. |
Từng tham dự nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, ông nhìn nhận thế nào về mối tương quan giữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua?
Ông Trương Trọng Nghĩa |
- Việt Nam ở gần Trung Quốc là một lợi thế vì đó là thị trường lớn, là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho xuất khẩu, nhất là nền nông nghiệp của Việt Nam. Nếu chúng ta đầu tư nghiên cứu về thị trường Trung Quốc thì sẽ khai thác lợi thế rất lớn và không bị người ta khai thác. Tuy nhiên, thời gian qua việc nhập siêu từ Trung Quốc quá nhiều cho thấy một diễn biến bất lợi cho nền kinh tế.
Cụ thể, khi nhập siêu quá nhiều từ Trung Quốc chúng ta sẽ bị chi phối khi giá cả biến động. Về cơ cấu nhập siêu cũng cho thấy nhiều vấn đề. Chúng ta chủ yếu nhập hàng hóa công nghiệp giá rẻ, công nghệ thấp, nhưng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, nguyên liệu.
Theo ông, nguyên nhân của hiện tượng Việt Nam nhập siêu và cũng không thể chủ động trong xuất khẩu nêu trên là gì?
- Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của WTO, đều có luật chơi chung. Chúng ta không thể đưa ra những chính sách phân biệt, kỳ thị trái với quy tắc của WTO. Biện pháp chính là chúng ta phải dựa vào chính là thị trường, đưa ra những rào cản kỹ thuật. Vấn đề thiếu rào cản kỹ thuật đã được báo động nhưng chúng ta chưa làm được.
Nhưng về phía người tiêu dùng thì hàng hóa giá rẻ, đáp ứng được nhu cầu là mua trong khi hàng hóa trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Vậy làm sao giải quyết bài toán thực tế của thị trường như vậy?
- Chúng ta không thể trách được người tiêu dùng mà cần sự kiểm soát và tuyên truyền vận động của cơ quan nhà nước. Nhà nước phải chứng minh được hàng hóa nhập khẩu này, hàng hóa kia kém chất lượng và tuyên truyền cho người tiêu dùng biết. Còn nếu kiểm soát mà không có chứng cứ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phản đối.
Còn khi có bằng chứng về những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, chúng ta phải có những biện pháp mạnh. Đất nước có rất nhiều thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, 70% là nông dân mà đi nhập rau, củ quả là điều hết sức bất hợp lý.
Đây là vấn đề lâu năm nhưng chúng ta chưa giải quyết được. Ông có kiến nghị gì với Chính phủ để giải quyết vấn đề này?
- Xu hướng mạnh được yếu thua đang giảm dần trên thế giới; bây giờ ai khôn ngoan hơn là được, ai chậm trễ, yếu kém thì thua. Ở đây, Trung Quốc đã xây dựng các hàng rào kỹ thuật còn chúng ta làm chậm, không triệt để, không đồng bộ, không kiên quyết.
Vấn đề này tôi tin Chính phủ, các bộ, ngành đã biết. Riêng UBND các tỉnh cũng biết nhưng thái độ của họ không giống nhau. Nhiều địa phương thấy tình trạng buôn lậu, nhập siêu quá lớn nhưng vì lợi ích cục bộ mà không hành động quyết liệt. Vì vậy, cần sự điều hành từ Trung ương, các bộ, ngành để khắc phục lợi ích cục bộ của địa phương.
Sỹ Lực (thực hiện)