Dân Việt

Mở “siêu thị” bán đồ cũ

16/08/2011 20:04 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Văn Thưởng mở một “siêu thị” chuyên bán đồ cũ rộng hơn 3.000m2 ngay dưới chân cầu Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội), thu hút hàng trăm lao động vào làm việc.

Ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Thưởng Thưởng chia sẻ: “Ngôi chợ này tôi mở từ năm 2008. Thời điểm đó, tôi đã bỏ cả trăm tỷ đồng để thu mua đồ cũ, mở xưởng để tái chế lại rồi bán. Trước đó, tôi có xưởng sản xuất bia ở Bắc Giang, khi bỏ xuống Hà Nội buôn đồ cũ nhiều người e ngại bởi quan điểm của người Việt còn dè dặt khi sử dụng đồ cũ”.

img
Xưởng sửa chữa đồ cũ của ông Thưởng .

Say mê với việc tìm đồ cũ để chắp nối sản xuất nên những rào cản ấy chỉ là khó khăn ban đầu. Ông Thưởng nói: “Khi mới thành lập chợ, người dân xung quanh phản ứng rất ghê vì sợ tôi buôn đồng nát, phế liệu làm ô nhiễm. Nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng: Buôn bán đồ cũ chứ không phải đồ đồng nát”.

Theo ông Thưởng, trong khi nhiều gia đình nghèo chưa có đồ gia dụng như tủ lạnh, ti vi… thì nhiều tổ chức, cá nhân luôn “đổi mốt” nội thất cho căn nhà, văn phòng của mình. Vì vậy, ông tổ chức thu gom lại, cái nào tốt thì bán ngay, cái nào cần sửa chữa thì ông tổ chức một đội ngũ thợ làm việc này, sao cho sản phẩm tới tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất.

Bên cạnh khu chợ, cơ sở thu mua đồ cũ và xưởng tái chế của ông đã và đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 thanh niên, với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng. Nguyễn Văn Hưng, 30 tuổi (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Gia đình em làm nông. Khi biết đến xưởng tái chế của anh Thưởng, em đến học việc và hiện đã thành nghề, được trả lương 3 triệu đồng/tháng”.

Ông Thưởng cho biết, khi xưởng đã hoạt động ổn định, nhiều người có nghề hẳn hoi cũng đầu quân cho ông. Nguyễn Xuân Phú, 31 tuổi (Tân Yên, Bắc Giang) bộc bạch: “Mình học ngành cơ điện - Đại học Công nghiệp Hà Nội. Vào đây làm nghề, mình có thu nhập khá ổn định - 7 triệu đồng/tháng và cũng có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các bạn khác”.

Được biết, thời gian tới ông Thưởng sẽ tiếp tục đầu tư chuyên sâu hơn để buôn bán, gia cố những đồ vật cổ có giá trị lịch sử. Ông cũng dự định mở riêng một gian hàng chuyên bán các mặt hàng này, nhằm tạo nên một không gian chợ chuyên nghiệp.