Dân Việt

Công nhân ở các KCN: Lười học nghề, dễ thất nghiệp

Minh Nguyệt 17/10/2016 06:20 GMT+7
Các khu công nghiệp đang mang lại sự đổi thay cho làng quê, đồng thời giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế nhưng, vì không được đào tạo nghề bài bản, nhiều lao động sau khi bước chân ra khỏi công ty là thất nghiệp, không có cơ hội tìm việc làm khác.

Lao động không mặn mà học nghề

Anh Nguyễn Văn Tuấn 38 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh được nhận vào làm cho công ty lắp ráp xe máy (tại Vĩnh Phúc) được 10 năm. Trong suốt thời gian đó, anh hoàn toàn không được đào tạo gì về tay nghề, lúc vào làm, anh là nhân viên lắp ráp sản phẩm, tới giờ vẫn làm lắp ráp sản phẩm. “Trước đây, vì nghĩ nhiều tuổi rồi nên tôi chẳng muốn đi học nghề thêm làm gì, chỉ mong tháng ngày làm đầy công, cuối tháng lĩnh lương, về già nhận sổ bảo hiểm thế là xong. Không ngờ mới đây, tôi bị công ty cho nghỉ việc với lý do tay nghề không đáp ứng yêu cầu trong cuộc thi sát hạch mới vỡ lẽ, không học không được” – Tuấn nói.

img

Lao động ở khu công nghiệp cần được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề.  (Ảnh chụp tại Trường CĐ công nghệ cao Hà Nội)   Ảnh: M.N.

Cần nhân rộng mô hình “Trường trong doanh nghiệp”, tức là DN cần huy động những thợ bậc cao, những kỹ sư lành nghề để kèm cặp hướng dẫn học viên trên những thiết bị máy móc của DN. Học viên sẽ đảm trách những công việc đơn giản đến trung bình. Chương trình học sẽ được phát triển bởi sự hợp tác giữa nhà trường và DN”.

Ông Nguyễn Hồng Minh -
Tổng cục trưởng
Tổng cục Dạy nghề

Đáng buồn, anh không có tay nghề, lại nhiều tuổi nên đã đi xin việc ở 10 công ty nhưng không được. Đây cũng là thực tế nhiều công nhân đang gặp phải, khi rời công ty.

Ông Vũ Quang Thọ-Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cảnh báo, công nhân không được dạy nghề là thiệt thòi lớn. Theo ông Thọ, đa phần lao động trong các khu công nghiệp (KCN) là lao động nông nghiệp, nhiều người trong số đó chưa từng học nghề. Trong khi đó, các doanh nghiệp thích tuyển dụng công nhân không có kỹ năng, sau đó vào tập huấn ngắn hạn.

Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Các KCN và khu kinh tế đã thu hút 2,6 triệu người làm việc, trong đó lao động trong các KCN là hơn 1,5 triệu lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, có đến 80% là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp.

Sử dụng lao động tay chân để trả lương thấp

Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 KCN (tính đến tháng 9.2015), trong đó có 206 KCN đã đi vào hoạt động. Nếu tính về giá trị sản xuất công nghiệp, các KCN hiện nay đã đóng góp hơn 30% giá trị công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, chất lượng tay nghề của lao động chưa được nâng cao. Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết: Hiện nay trong cả nước có 285 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp (DN), trong đó có 28 cơ sở dạy nghề thuộc DN nhà nước (chiếm tỷ lệ 9,82%) quản lý. Có 257 cơ sở dạy nghề thuộc DN tư nhân (chiếm tỷ lệ 90,18%). Mặc dù vậy, vẫn có tới 80% lao động trong KCN chưa được đào tạo.

Theo một số khảo sát của các nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đa số các DN đều sẵn sàng ở các mức độ khác nhau, tham gia các hoạt động hợp tác đào tạo với cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, đại diện phía công đoàn cho rằng, không phải chủ DN nào cũng muốn đồng ý cho người lao động của mình học nghề hoặc nâng cao trình độ tay nghề vì nhiều lý do.

Ông Minh cho rằng, thời gian tới, DN cần chủ động tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt dạy nghề với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Nói về lý do DN không muốn lao động nâng cao kỹ năng nghề, ông Thọ cho biết, lý do chính là  DNchỉ thích sử dụng lao động “tay chân”, không có kỹ năng nghề để làm theo công đoạn để trả lương thấp.