Ảnh minh họa.
Ngày 14.10, theo cơ quan tố tụng cho biết trước đó qua công tác tổng hợp kiểm tra rà soát các trường hợp chưa đi chấp hành án, Viện KSND tỉnh Bình Định đã phát hiện trường hợp bị án Nguyễn Duy Linh, 31 tuổi, trú tại thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cùng đồng bọn phạm tội cố ý gây thương tích bị bắt giam từ ngày 22.4.2004.
Theo bản án số 105/HSST ngày 24.9.2004 của TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Linh 7 năm tù, sau đó Linh kháng cáo.
Đến ngày 4.1.2005, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Duy Linh (cho tại ngoại).
Theo đó, bản án phúc thẩm hình sự số 321 ngày 11.5.2005 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử và tuyên phạt Linh 6 năm tù. Ngày 28.6.2005, TAND tỉnh Bình Định đã ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Duy Linh và 2 bị án khác trong cùng vụ án (hiện 2 bị án cùng vụ với Linh đã chấp hành án xong, riêng bị án Linh chưa đi chấp hành án).
Tại biên bản làm việc của Công an huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũng như bản tường trình của bị án Linh đều xác định sau khi xét xử phúc thẩm, bị án Linh chưa nhận được quyết định thi hành án, vẫn làm ăn sinh sống bình thường tại địa phương và không có biểu hiện trốn tránh (theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19.6.2009 thì thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định: 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm).
Như vậy, đối với Nguyễn Duy Linh bị Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 6 năm tù thì đến nay bản án đã hết thời hiệu thi hành án. Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong việc bỏ quên bản án 6 năm tù sau 11 năm? Câu trả lời này dành cho cơ quan tố tụng tỉnh Bình Định.