Xây cầu xóa tên xóm “ốc đảo”
Chia sẻ với PV, cụ Vũ Văn Ái kể: Năm 1986, cụ quyết định rời chốn thành thị về quê lập nghiệp và xây dựng gia đình. Tại thị trấn huyện, cụ mở một quán may để mưu sinh và cùng người vợ làm giáo viên nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành. Khu vực xóm Trại là đất hương hỏa của gia đình.
Cụ Ái bên cây cầu tự bỏ tiền làm cho người dân đi lại.
Người dân hiến công xây cầu.
Thấy cảnh vài chục hộ dân sống khổ trong khu vực như ốc đảo, cả xóm chỉ có duy nhất cây cầu gỗ để đi lại. Cây cầu gỗ có từ lâu đời, đã mục nát và sập xệ. Để đi qua cầu gỗ phải lựa, đi xe máy không dám đi hai người, trẻ con, người già thì phải thật thận trọng vì cầu không có lan can bảo vệ. Khi xóm làng có cưới hỏi, đám ma hay người đi cấp cứu cũng đều cực nhọc trong vấn đề vận chuyển ra, vào. Trước kia, khi đi đưa tang hầu như đều phải cho ván vào thuyền để qua kênh, không dám khênh ván qua cầu…
Chứng kiến cảnh đó, cụ Ái quyết định bỏ số tiền tích cóp được làm việc có ích cho đời đó là xây cầu cho dân đi lại thuận lợi, giúp xóm làng đổi thay. Nghĩ là làm, cụ Ái báo cáo lên cấp xã, huyện về ý nguyện và cách làm sau đó mời dân tới họp. Người dân trong xóm mừng lắm nhưng cũng có người bảo ông là “hâm”. Mặc những lời khen chê, cụ quyết tâm thực hiện và tìm người bạn hữu làm kỹ sư cầu đường thiết kế cây cầu giúp mình.
Theo tính toán của kỹ sư, để làm 1 cây câu bê tông dài 24m, rộng xấp xỉ 2,4m, có thể chịu tải 5 tấn phải mất khoảng 400 triệu đồng, chưa nói đến tiền công. Biết dự định của ông, người dân xóm Trại đã họp bàn và thống nhất cùng nhau ủng hộ toàn bộ ngày công để hoàn thành cây cầu theo bản thiết kế của bạn ông Ái. Người đứng ra giám sát là con trưởng của cụ Ái, anh Vũ Văn Chức từng là giáo viên.
Được sự đồng ý của địa phương, đầu tháng 1 năm 2013, cây cầu chính thức được khởi công trong niềm vui sướng của người dân xóm ốc đảo. Niềm vui đó lan tỏa cả xã Quyết Tiến và Tiên Tiến và họ cũng tham gia góp sức làm cầu. Không khí làm cầu như ngày hội, mỗi người một việc, người cắt sắt, người đổ bê tông, người chuyển cát, đá…
Nhiều hôm làm muộn, trời tối, người dân thắp điện làm thông đêm. Việc xây cầu hoàn toàn làm thủ công bằng việc hàn 2 thùng phuy vào với nhau, dùng máy ép dìm xuống lòng kênh rồi hút hết bùn đất trong phuy lên, sau đó đổ sắt thép, xi măng xuống làm trụ cầu. 5 trụ cầu vươn dài trên đoạn kênh rộng 27m… Để động viên sức lực, tinh thần cho người dân hiến công làm đường, kể từ khi khởi công đến lúc hoàn tất cầu, cụ đầu tư giết 5 con lợn để liên hoan.
Cầu lên nhà cửa khang trang, ruộng bỏ hoang tươi xanh trở lại
Người dân qua cầu tiện lợi hơn xưa.
Trao đổi với PV, bác Vũ Văn Hoành, một người dân buôn bán cau trú tại Tứ Kỳ, Hải Dương cho biết: Bác đi lại mua bán cau qua khu vực xóm Trại đã hơn 20 năm nay. Trước đây, xóm làng đơn sơ, nhiều nhà tranh, đường đất bẩn, đi lại khổ sở, ruộng nương bỏ hoang.
Từ khi cây cầu xây xong, việc thông thương thuận lợi hơn, nhờ vậy đời sống người dân được nâng lên. Nhìn những con đường bê tông chạy dọc đường xóm, không ai nghĩ 2 năm trước đoạn đường này toàn là đường đất, mưa đi ngập chân. Việc buôn bán của người dân trong xóm thuận lợi, những cánh đồng hoang hóa nay đã xanh màu lúa, nhà cửa thì khang trang trông thấy.
Ghi nhận việc làm của cụ, UBND huyện Tiên Lãng và UBND thành phố đã tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo 5 năm 2009-2013.
Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa Phạm Văn Cánh phấn khởi cho biết: Tuy đời sống của người dân còn khó khăn nhưng tinh thần chung tay, góp sức xây dựng NTM rất đáng ghi nhận. Người như cụ Ái quả thật xưa nay hiếm có. Cũng từ việc làm của ông giúp xóm làng thay da, đổi thịt.