Dân Việt

“Vắt sức” nâng sản lượng sữa bò

Trần Đáng 18/10/2016 13:15 GMT+7
TP.HCM đang quyết tâm tái cơ cấu đàn bò sữa, với hy vọng đến năm 2020 năng suất sữa đạt 7.700kg/con/năm, ổn định tổng đàn bò sữa ở mức 100.000 con. Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện năng suất cho sữa của đàn bò sữa trên địa bàn thành phố ở mức trung bình 5.000 kg/con/năm.

Nâng chất con bò

Gần chục năm nuôi bò sữa và chịu khó đầu tư giống bò mới, thải loại những con không đạt chất lượng, hiện anh Nguyễn Trung Lập (xã Bình Mỹ) có trại bò sữa thuộc loại tốt nhất ở huyện Củ Chi. Trong 24 con bò sữa ở trại thì khoảng 20 là bò tơ đang cho sữa.

img

Từ mức năng suất 5.000kg sữa/năm/con, TP.HCM đang quyết tâm nâng lên 7.700kg sữa/con/năm vào năm 2020. Ảnh:T.Đ

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, tổng đàn bò trên địa bàn thành phố hiện vào khoảng 150.000 con, trong đó, đàn bò sữa hơn 95.000 con, với khoảng 9.000 hộ chăn nuôi. Quy mô nuôi 11,23 con/hộ (tăng 2,53 con/hộ so với năm 2011). Hiện quy mô nuôi bò sữa bình quân của Canada là 120 con/hộ, Mỹ 186 con/hộ, Israel 155 con/hộ, Thái Lan 30 con/hộ…

Anh Lập cho biết: “Nuôi bò sữa là phải có kế hoạch nâng chất đàn bò để sữa luôn đạt năng suất và chất lượng. Gần đây tôi “tơ hóa” đàn bò để nâng chất lượng sữa”. Hiện trung bình 1 con bò sữa của anh Lập cho 15kg sữa/ngày. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu của Đề án “Nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020” thì sản lượng sữa/ngày của trại bò anh Lập còn kém xa, phải đạt tầm 20kg sữa/ngày.

Theo anh Lập, để đạt mục tiêu này, người nuôi bò sữa phải nâng chất con giống bằng giống chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc đầu tư con giống một lúc là bất khả thi vì giống khá đắt. Chưa hết: “Hiện nguồn tinh giống trên thị trường chất lượng không cao nên bò cho năng suất sữa thấp, lại dễ mắc bệnh. Vì vậy, để cải thiện chất lượng bò sữa thì phải cải thiện con giống và nguồn thức ăn” - anh khẳng định.

Chi cục Thú y TP.HCM  đang xây dựng 50 mô hình điểm nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố. Theo đó, các hộ tham gia được đầu tư đồng bộ các hạng mục, như: Hướng dẫn thiết kế và nâng chất chuồng trại, hỗ trợ máy vắt sữa và hệ thống rửa máy vắt sữa, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa nhằm cải thiện tình hình chăn nuôi tại nông hộ.

Về thức ăn, trên cơ sở kết quả của Trại Trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) trong việc sử dụng thức ăn TMR (thức ăn hỗn hợp) theo công nghệ Israel, ngành nông nghiệp đã đưa vào thử nghiệm tại nông hộ nuôi bò sữa ở thành phố. Theo Sở NNPTNT, cách làm này cho kết quả cải thiện năng suất sữa và chỉ tiêu sinh sản trên bò, như: Năng suất bình quân tăng 2 – 3,3kg/con/ngày, bò lên giống lại sau khi sinh từ 70 – 80 ngày (bình quân là 100 ngày), thể trạng bò cải thiện rõ rệt…

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành chăn nuôi bò sữa, trung tâm đã triển khai Đề án “Tăng cường trang thiết bị cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”. Trong giai đoạn 2011 – 2015, trung tâm đã bàn giao hàng ngàn thiết bị cho nông dân, như: Máy vắt sữa đơn, bình nhôm chứa sữa, máy băm cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại…

Không có đường lùi

Việc Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định  đối tác kinh tế xuyên  Thái Bình Dương (TTP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa được đánh giá là chịu tác động mạnh nhất trong số các sản phẩm chăn nuôi. Vì thế, ông Nguyễn Văn Tủi – Trưởng Ban Kinh tế xã hội (Hội Nông dân TP.HCM) đánh giá, để duy trì đàn bò sữa và nâng chất lượng sữa, TP.HCM phải tái cơ cấu nâng chất đàn bò sữa vì không còn đường lùi.

Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cũng cho rằng, việc tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020” nhằm tạo bước chuyển biến trong ứng dụng, chuyền giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng con giống và sữa tươi nguyên liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa và ổn định tình hình chăn nuôi, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Cũng theo đề án này, TP.HCM sẽ áp dụng các tiêu chí thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Hiện những quận, huyện nuôi bò sữa chủ yếu của thành phố là: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT, nhằm thực hiện đề án này, đến năm 2017, 100% hộ nuôi bò sữa sẽ phải ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Với những hộ nuôi dưới 5 con sẽ vận động tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến cáo người chăn nuôi xây dựng cơ cấu đàn bò sữa hợp lý, thải loại những con năng suất thấp…

Sở cũng sẽ nhập các dòng tinh cao sản chịu nhiệt, tinh phân biệt giới tính có năng suất, chất lượng cao; tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng các nguồn tinh bò sữa nhập khẩu của các doanh nghiệp... “Trước mắt, chúng tôi đang triển khai việc phối tinh bò sữa chất lượng cao miễn phí cho người chăn nuôi nhằm nâng dần chất lượng đàn bò sữa” - ông Trung cho biết.