Giá tăng cao nhất trong năm
Theo nhiều hộ dân vùng ĐBSCL, từ tháng 8 đến giữa tháng 9 vừa qua, giá cá tra chỉ còn 18.500 – 19.000 đồng/kg (mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua). Thế nhưng, sau đó, mức giá đã bắt đầu tăng dần lên cho đến nay.
Người dân ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra và đang bán được với giá cao. Ảnh: H.X
Trong 9 tháng 2016, diện tích cá tra ở ĐBSCL ước đạt 5.146ha, (giảm 2,3% so với cùng kỳ). Sản lượng thu hoạch ước đạt 860.911 tấn, (tăng 2,5% so với cùng kỳ). |
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) cá tra huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua cá tại ao và trả tiền mặt được 21.000 đồng/kg với cá cỡ lớn, trọng lượng trên 1kg/con; giá từ 20.000 - 20.500 đồng/kg với cá cỡ nhỏ, trọng lượng từ 0,8-1kg/con.
Theo ông Nguyên, mức giá trên là mức cao nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay, nhưng người dân vẫn không phấn khởi. “So với giá thành trên, các xã viên chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng/kg. Riêng đối với xã viên nuôi cá cỡ lớn thì phần lớn không có lãi do chi phí đầu tư lớn, mất nhiều thời gian” - ông Nguyên cho biết.
Cũng như ở An Giang, nhiều hộ nuôi cá tra ở TP.Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre (3 địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL) thông tin, giá cá tra nguyên liệu đang có tín hiệu khả quan. Giá cá đã tăng thêm từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, nâng mức bán hiện tại lên tới 21.000 - 22.500 đồng/kg.
Ông Lê Văn Tâm - một hộ nông dân nuôi cá tra ở phường Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho rằng, trong suốt 8 tháng qua, giá cá tra giao động thất thường và bắt đầu tăng ổn định từ hơn nửa tháng nay. Theo đó, nhiều “cò cá” đi “lùng sục” từng ao hỏi mua, đặc biệt là loại cá trên 1kg/con.
Khi giá cá tra nguyên liệu đang tăng trở lại, giá cá tra giống cũng tăng theo nhưng lại bị khan hiếm ở một số địa phương. Thông tin từ các hộ nuôi cá cho biết, hiện nay, cá giống đã lên đến 26.000 đồng/kg (loại 27 con, tăng thêm 9.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng). Dù giá cao nhưng rất khó mua.
Giá cá tăng “ăn theo” nhu cầu nhập khẩu
Theo cơ quan chức năng, do nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới đang tăng nên đã kéo giá cá tra tăng theo. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định: “Sở dĩ giá tăng trở lại là do nhu cầu nhập khẩu tại một số thị trường lớn như: Mỹ, EU, Mexico… bắt đầu tăng. Họ mua để chuẩn bị cho một số ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch trong thời gian tới”.
Về mức giá cá tra từ nay đến cuối năm 2016, ông Quốc cho rằng: “Dự báo lượng xuất khẩu sẽ tăng. Một số doanh nghiệp đã nhận nhiều đơn hàng, giá trị lớn. Tuy nhiên, chưa biết giá cá có bền vững hay không vì vấn đề này hiện nay rất phức tạp”.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy: Trong 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 171,9 triệu USD (tăng đến 72% so với cùng kỳ năm trước). Ngược lại, dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sang thị trường này sẽ giảm dần do hàng cá tra tồn kho ở quốc gia lân cận này còn nhiều.
Vì vậy, VASEP lưu ý các doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Riêng các HTX, hộ dân nuôi cũng cần thận trọng hơn trong việc tăng sản lượng cá quá lứa để tránh lặp lại việc khủng hoảng giá cá và thừa cá cỡ lớn như thời gian qua.
Đối với việc xuất khẩu sang thị trường khác, VASEP cũng dự báo nhu cầu của một số thị trường lớn sẽ tăng từ nay cho tới cuối năm. Cùng với đó, giá cá tra sẽ còn tăng.
Theo TS Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, trong những tháng qua, thị trường cá tra suy yếu, giá cá tra bình quân thấp hơn so với 2 năm trước 2014-2015. Ở vùng nuôi, lượng sản xuất không giảm so cùng kỳ, nhưng thị trường tiêu thụ không mạnh nên giá cá nguyên liệu giảm. Đến nay có thể do nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm để chuẩn bị đón năm mới 2017 nên cá tra tăng giá trở lại. Tuy nhiên, khó dự đoán cá tra nguyên liệu duy trì mức giá tăng cao kéo dài được bao lâu.