Dân Việt

Quốc hội sẽ thiết kế cho đại biểu tranh luận với Bộ trưởng

Lương Kết 18/10/2016 17:43 GMT+7
"Kỳ họp Quốc hội này khi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trên hội trường chúng tôi sẽ tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế - xã hội, các dự án luật. Sẽ mời các cơ quan trình báo cáo, trình dự án luật, trực tiếp là Bộ trưởng, trưởng ngành cùng trao đổi, trả lời ý kiến các đại biểu Quốc hội để làm sáng tỏ các nội dung" - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Chiều 18.10, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Một trong những vấn đề báo chí quan tâm đặt câu hỏi đó là công tác đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đổi mới hoạt động trong kỳ họp  một trong những nội dung được Quốc hội khóa XIV quan tâm, tìm cách đổi mới. Vừa qua, Quốc hội đã có bài học từ Bộ luật hình sự năm 2015, khi sắp có hiệu lực thi hành phải dừng lại để chỉnh sửa.

img

Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Về nâng cao chất lượng làm luật, theo ông Phúc, Quốc hội đã ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần phải bám sát vào quy định của Luật để tránh xảy ra bất cập.

"Trong công tác làm luật, trong quá trình thẩm tra sẽ có những hội nghị chuyên trách để mời các vị ĐBQH chuyên trách ở TƯ và địa phương cùng cho ý kiến để chất lượng dự án luật được nâng lên. Quốc hội có thể cũng tranh thủ ý kiến của các chuyên gia. Khi dự án luật trình ra xin ý kiến của Quốc hội, thấy dự luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẵn sàng chưa thông qua để tiếp tục rà soát đảm bảo chất lượng. Ví dụ như trong nội dung dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa có thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, nếu ra Quốc hội còn nhiều ký kiến khác nhau sẽ lùi lại, tăng thời gian thảo luận" - ông Phúc cho biết.

Nói về đổi mới trong công tác tranh luận, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Kỳ họp Quốc hội này khi đại biểu Quốc hội phát biểu trên hội trường chúng tôi sẽ tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế - xã hội, các dự án luật. Sẽ mời các cơ quan trình báo cáo, trình dự án luật, trực tiếp là Bộ trưởng, trưởng ngành cùng trao đổi, trả lời ý kiến các đại biểu Quốc hội để làm sáng tỏ các nội dung.

"Chúng tôi sẽ thiết kế để đại biểu Quốc hội có thể tranh luận, nếu có đại biểu nào muốn tranh luận có thể với Bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể thực hiện bằng hình thức giơ biển để chủ tọa mời tranh luận. Chủ tọa sẽ tạo điều kiện để Quốc hội tranh luận tạo ra sự sinh động khi thảo luận ở hội trường" - Tổng thư ký Quốc hội cho hay.

Dự kiến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20.10, bế mạc ngày 23.11. Tại kỳ họp này ngoài công tác xây dựng pháp luật Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông...