Đề xuất bổ sung 5 tỷ đồng/xã
Tại hội nghị giao ban quý III.2016 Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM vừa qua, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của thành phố, số xã hoàn thành NTM ở các huyện chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã vượt chỉ tiêu phấn đấu thì còn nhiều nơi kết quả đạt thấp như huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.
Nghề trồng rau an toàn đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
TP.Hà Nội đang đề ra mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn NTM. Tính đến thời điểm này, theo kết quả rà soát ban đầu của các huyện, thị xã, có thể thấy mục tiêu trên sẽ đạt được. |
Lý giải về vấn đề này, ông Tạ Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, việc xã hội hóa nguồn lực cho xây dựng NTM trên địa bàn thị xã còn chậm.
Nói thêm về những khó khăn đang gặp phải trong quá trình xây dựng NTM, ông Mỹ cho rằng, một trong những rào cản chính là do nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM còn rất hạn hẹp, chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước.
“Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên.Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM ngày càng cao nhưng nguồn lực gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi địa phương phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Ban chỉ đạo Chương trình 02 thành phố đề nghị Ban chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở, tiến hành giao ban định kỳ theo tháng, theo tuần để nắm bắt tình hình, cập nhật tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở” – ông Mỹ khẳng định.
Hiện nay, Sở NNPTNT đã có văn bản tham mưu UBND thành phố bổ sung kinh phí 5 tỷ đồng/xã đối với những xã có khả năng đạt chuẩn NTM trong năm 2016 nhưng chưa được hỗ trợ.
Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho dân
Ông Mỹ cũng cho biết, hiện vẫn còn 5 huyện chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), với diện tích 1.005ha, gồm Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Chương Mỹ và Mỹ Đức, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT của thành phố còn thấp, quy mô nhỏ, phân tán. “Đáng chú ý, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau DĐĐT còn thiếu quyết liệt, kết quả hạn chế. Mặc dù các Sở NNPTNT, Tài chính, TNMT đã tích cực hướng dẫn theo hướng giảm thủ tục hành chính trong việc cấp sổ đỏ nhưng công tác triển khai thực tế ở các địa phương rất chậm. Toàn thành phố mới cấp được 272.969/723.825 sổ đỏ, đạt hơn 37%” – ông Mỹ nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, việc cấp sổ đỏ ở cơ sở còn chậm là do một số địa phương để thất lạc hồ sơ, phương án DĐĐT, sơ đồ đo đạc, chia ruộng, biên bản bốc thăm giao ruộng cho nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương từ nay đến cuối năm phải dồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ sau DĐĐT. “Đây là nhiệm vụ trọng tâm phải quyết liệt hoàn thành, nếu địa phương nào không hoàn thành, Bí thư, cấp ủy phải chịu trách nhiệm, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng tiến độ và quy định của pháp luật” - bà Hằng nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các huyện, thị xã rà soát lại việc đăng ký các xã NTM sát với thực tế và phải có kế hoạch phấn đấu hợp lý, tránh dàn trải, đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực để phục vụ xây dựng NTM, không huy động quá sức dân.