Dân Việt

Xã điểm nông thôn mới vất vả chống ngập úng

Trần Đáng 19/10/2016 13:45 GMT+7
Không thể phủ nhận, sau những năm làm nông thôn mới, bộ mặt nông thôn TP.HCM đã thay đổi rõ rệt, nhưng hạ tầng nông thôn vẫn bộc lộ những điểm bất cập.

Xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM) là xã “điểm” nông thôn mới của Trung ương, được đầu tư khá quy củ. Nhưng mới đây, sau những cơn mưa nặng hạt, 2 ấp của xã chìm sâu trong nước kéo dài gây đảo lộn cuộc sống người dân.

Thiếu hệ thống tiêu thoát    

Một diện tích rộng hơn 10ha thuộc 2 ấp Trung và Chánh chìm sâu trong nước kéo dài khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn. Có thể thấy, tại khu vực xã này và cả xã Tân Thông Hội, hệ thống tiêu thoát nước thiếu trầm trọng. Những chỗ đường có cống thì các đoạn cống không đồng bộ cỡ và cao trình bởi do dân mạnh ai nấy làm. Các cống hở thì quá hẹp lại đầy rác nên vô dụng mỗi khi mưa…

img

Anh Nguyễn Văn Lóc (ấp Trung, Tân Thông Hội) phải “treo” lan lên để chống úng. Ảnh: T.Đ 

Theo TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, khi hệ thống tiêu thoát nước (cống tiêu, kênh tiêu...) cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa được hoàn chỉnh… thì khi mưa với cường độ khoảng trên 40mm là xảy ra ngập úng. Nếu mưa với cường độ lớn hơn, thời gian mưa tập trung dài hơn thì mức độ ngập úng càng nguy hiểm hơn.

Trên đường 12 (ấp Trung) giáp ranh ấp Chánh, ông Nguyễn Văn Xuân và con trai bắt ống ngang đường bơm nước cứu vườn lan bạc tỷ đang bị ngập sâu. Theo ông Xuân, cả tuần qua vườn lan của ông ngập sâu cả mét. 4.000m2 với 20.000 gốc lan đang thu hoạch giờ xem như mất trắng. Cũng cả tuần nay, ông và con trai gần như thức trắng đêm để canh vườn lan do sợ áp lực nước làm vỡ bờ bao cũng như lo bơm nước. “Khu vực này là vùng trũng, nên nước mưa từ các nơi cứ dồn về, áp lực nước rất lớn” - ông Xuân than thở.

Tuy nhiên, trong khi ông Xuân chống ngập bằng cách bơm nước qua khu vực ấp Chánh thì tại đây, nhiều hộ cũng đang khốn khổ khi nước ngập tràn. Chị Lê Thị Kim Vân (ấp Chánh) cho biết, khu vực chị đang sống mấy ngày nay bị ngập sâu. Chính quyền đem máy đến bơm nước hôm trước thì hôm sau lại ngập tiếp.

“Khu vực này là vùng trũng, lại thiếu hệ thống tiêu thoát, nên có bơm nước đi chỗ này thì nước lại dồn chỗ kia, không giải quyết dứt điểm được” - chị Vân nói.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết – Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, xã đã cho đặt 3 máy bơm để đưa nước ra đến khu vực Tam Tân (khu vực có hệ thống kênh thủy lợi).

Ông Nguyễn Văn Sảnh – Trưởng Phòng tổ chức Xí nghiệp Quản lý khai thác Công trình Thủy lợi thành phố (Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM) – đơn vị chịu trách nhiệm chính tiêu thoát nước tại khu vực huyện Củ Chi cho biết, hiện một số khu dân cư nông thôn, hệ thống cống ven đường đã thiếu, lại không đồng bộ, mạnh ai nấy làm, bồi lấp không nạo vét… nên khi mưa lớn là ngập cục bộ. “Hiện, ngoài khu vực xã Tân Thông Hội, chúng tôi còn đang cho bơm nước 2 khu vực đang ngập úng là xã Phú Hòa Đông và Trung An” - ông Sảnh thông tin.

Cần được quan tâm đúng mức

Để giải quyết rốt ráo vấn đề ngập úng cho khu vực ấp Trung và Chánh, theo ông Sảnh, chính quyền phải cho xây dựng lại hệ thống cống tiêu thoát ra khu vực cuối nguồn Tam Tân. Hệ thống này phải đồng bộ, có hố ga để nạo vét bùn, rác chứ không phải tự ai nấy làm như hiện nay.

Theo TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, tiêu thoát nước vùng ngoại thành ven đô cần được quan tâm và nghiên cứu đúng mức. Các khu công nghiệp đã và đang được chuyển dịch từ nội thành ra ngoại thành và có nguy cơ làm tăng sự ô nhiễm vùng ngoại thành. Vùng ngoại thành là vành đai xanh, là vườn rau cho nội thành, nhưng đất đai thì ngày càng bị thu hẹp (đất nông nghiệp bị giảm đi). Mặt khác, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị ô nhiễm nhưng nhiều nơi vẫn cứ sản xuất rau tiềm ẩn nguy cơ có hại đối với sức khoẻ cộng đồng.

Cũng theo TS Trường, trên thực tế, hiện trạng các hệ thống công trình tiêu còn thiếu, còn yếu thì điều rõ ràng giải quyết tốt các vấn đề tiêu thoát một cách triệt để là khó khả thi, và thực tế đã chứng minh điều này. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đối với TP.HCM cần có nguồn vốn lớn.

Trong Bộ tiêu chí nâng cao Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.HCM (giai đoạn 2016 - 2020), có đề cập đến việc nâng cấp hệ thống thủy lợi đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và dân sinh. Theo ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT thành phố, thời gian tới sẽ cho sửa chữa duy tu các công trình thủy lợi đã đầu tư, quản lý và xử lý nghiêm các hoạt động lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy...