Vẫn còn 21% dân số chưa tham gia BHYT. Đó là các nhóm đối tượng nào, thưa ông?
- Hiện mới có 79% dân số tham gia BHYT, như vậy còn 21% người dân chưa tham gia BHYT, tương đương gần 20 triệu người. Cụ thể còn 2 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Nhóm cận nghèo cho dù đã được hỗ trợ nhiều, tuy nhiên vẫn còn khoảng 500.000-600.000 người chưa có thẻ. Ngoài ra, nhóm lao động thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân bị người sử dụng trốn đóng BHYT, bảo hiểm xã hội. Nhưng đông nhất vẫn là nhóm lao động phi chính thức bao gồm nông, lâm, ngư, diêm dân, lao động tự do (cũng là nông dân di cư lên thành phố kiếm ăn… Đây là nhóm có mức sống trung bình hoặc dưới mức trung bình. Do không dư dả kinh tế nên họ thường đặt các nhu cầu cần kíp khác lên trên việc mua BHYT. Họ cũng cho rằng mình còn trẻ, khỏe, không có bệnh nặng nên còn chần chừ không mua BHYT. Đồng thời, do giá viện phí còn thấp nên một nhóm nhỏ người dân vẫn có thể chi trả được.
Ảnh khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BSCC
Hiện nay các đối tượng khó tham gia BHYT nhất là người cận nghèo và nông dân có mức sống trung bình. Bộ Y tế đã có đề xuất tăng hỗ trợ người cận nghèo từ 70% mệnh giá thẻ BHYT lên 90-100%, nông dân có mức sống trung bình từ 30% lên 50-70%. Nhưng trước mắt, người dân phải thấy được sự cấp thiết của việc tham gia BHYT. Nếu không, chỉ cần một cơn bệnh trọng, tai nạn có thể “cuốn phăng” cả gia sản”. Ông Lê Văn Phúc |
Người dân sẽ gặp rủi ro gì khi không tham gia BHYT?
- Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nông dân mang người nhà nhập viện cấp cứu vì tai nạn, bệnh trọng phải bán nhà, bán đất, vay mượn để trả viện phí dù mức viện phí của Việt Nam hiện nay rất thấp, nhiều dịch vụ chỉ bằng 1/10 các nước trong khu vực. Theo tổng kết của bảo hiểm xã hội, chi phí lần đầu điều trị nội trú của Bệnh viện Bạch Mai là 15-16 triệu đồng. Ở các bệnh viện tuyến trung ương khác cũng hơn 10 triệu đồng. Nếu có BHYT, người dân chỉ phải chi trả 5-20% (500.000 đồng đến 2 triệu đồng), tùy theo mức hưởng. Đối với các trường hợp tai nạn nặng, bệnh hiểm nghèo (viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết…), chi phí lần đầu điều trị có thể lên đến 300-400 triệu đồng, thậm chí gần 1 tỷ đồng. Đối với nông dân, dù bán nhà cũng chưa chắc có được số tiền lớn như vậy. Với các đối tượng “dễ nghèo” này, chỉ cần một cơn bệnh nặng có thể “tán gia bại sản” dẫn đến “nghèo hóa” nếu như không có BHYT cùng chi trả.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang dự kiến điều chỉnh viện phí ở nhóm không có BHYT vào đầu năm 2017, với mức tăng khoảng 30-50%, nhiều dịch vụ tăng gấp đôi. Hiện mức phí này mới chỉ áp dụng ở nhóm có BHYT. Như vậy, gánh nặng viện phí sẽ gia tăng rất lớn nếu người dân không khẩn thiết tham gia BHYT.
Hiện vẫn còn người dân cho rằng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT còn bị giới hạn, không đáp ứng nhu cầu nên chưa mặn mà. Theo ông, làm thế nào để người dân thực sự “yêu” BHYT.
Quyền lợi của người bệnh có BHYT khá ưu việt. Ảnh: BSCC
- Các dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế xây dựng mới nhất trong Thông tư 37 hiện nay đã tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để điều trị, người dân sẽ không phải nộp tiền để mua thêm trang thiết bị y tế, thuốc… như khi giá dịch vụ còn quá thấp. BHYT không có giới hạn về tiền chi trả điều trị cho người bệnh. Còn các đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công đặc biệt, thương binh mất sức lao động 81% trở lên… được BHYT trả tới 100%, còn các đối tượng khác cũng được BHYT chi trả từ 80-95%.
Nếu bệnh nhân điều trị lâu dài, bệnh nặng có thể được BHYT thanh toán cả tỷ đồng. Nếu người tham gia BHYT liên tục mà số tiền cùng chi trả lớn hơn 60 tháng lương cơ bản (hơn 72 triệu đồng) thì kể từ lần khám sau (trong cùng 1 năm) sẽ được BHYT chi trả 100%. Như vậy, chính sách BHYT hiện nay rất ưu việt với người bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, có một số dịch vụ kỹ thuật cao bị giới hạn chi trả (không quá 40 tháng lương cơ bản) và một số thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, thuốc điều trị viêm gan C có giá thành quá lớn chỉ được thanh toán 50%...
Xin cảm ơn ông!