LTS: Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo đã gần 30 năm, còn Campuchia chỉ mới xuất khẩu gạo từ năm 2008. Nhưng hiện nay gạo Campuchia đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh, thậm chí vượt mặt gạo Việt Nam. Đó là một ví dụ cho thấy: Chỉ vì không có thương hiệu, gạo Việt không có thứ hạng trên thị trường thế giới và dễ dàng bị các nước đi sau “vượt mặt”.
Thắng nhờ lệ thuộc... trời?
Tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, doanh nghiệp và người dân Campuchia rất tích cực đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo và trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Hỏi chuyện những nông dân vùng ĐBSCL từng sang Campuchia thuê đất làm lúa, được biết, kỹ thuật canh tác lúa của người dân Campuchia vẫn còn nhiều hạn chế. Ở những vùng người dân Campuchia cho thuê đất trước đây, phần lớn giống được lựa chọn là IR50404 – loại lúa có phẩm chất gạo thấp nhưng dễ trồng.
Người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Thạch Thanh Hồng (ngụ ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, không ít người dân ở vương quốc láng giềng đã tìm gặp để học hỏi ông cách trồng lúa. “Tôi có thời gian dài thuê đất trồng lúa ở huyện Lekdek, tỉnh Kandal, Campuchia. Người dân nơi đây có kỹ thuật canh tác thấp, không am hiểu bằng mình. Thay vì sạ bằng máy thì họ sạ bằng tay và lệ thuộc phần lớn vào nguồn nước thiên nhiên sau khi sạ. Họ thấy tôi làm hay rồi học hỏi theo, tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ” - ông Hồng thông tin.
Theo ông Hồng, đất sản xuất lúa ở Campuchia thấp, trũng, có nhiều chất đạm nên khi trồng cây lúa phát triển rất tốt, thế nhưng có một hạn chế lớn là khi trổ, nó sẽ làm cho hạt lép nhiều, dễ đổ ngã. Đây cũng chính là lý do tại sao lúa của vùng ĐBSCL thường đạt năng suất 9 tấn/ha, còn lúa ở Campuchia đạt thấp hơn.
Lão nông Nguyễn Văn Nước ở ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) cũng có nhiều năm thuê đất ở tỉnh Kandal, nói: “Thấy mình thuê đất làm lúa, họ sang tìm hiểu, hỏi phun thuốc gì, phân gì để về mua theo. Giống cũng vậy, thấy mình làm IR 50404, dân họ cũng tìm mua để gieo sạ thử. Lúc trước họ làm 1 vụ, bây giờ ở một số vùng có điều kiện cũng đã có nhiều hộ làm 2 vụ, thay vì thu hoạch bằng tay thì cũng dần thay bằng máy gặt đập liên hợp”.
Nhiều nông dân còn thông tin, hệ thống thủy lợi của Campuchia gần như không có gì nên việc trồng lúa phụ thuộc phần lớn vào nước trời. Vì vậy, người làm lúa nơi đây rất... nhàn, họ chờ mưa xuống mới gieo cấy, sau đó để cho nước mưa nuôi cây lúa phát triển.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất lúa của nhà nông Campuchia rất thấp và bà con rất ham học hỏi. “Thuế nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu vào vương quốc này gần như bằng 0. Chi phí đầu vào rẻ hơn nên khi họ bán lúa gạo ra, dù có giá rẻ hơn thì vẫn còn lời. Nông dân bên họ cũng ham học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau rất nhanh” – ông Nguyễn Quốc Hùng ở ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho hay.
Chọn sản xuất gạo ngon
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp - ông Nguyễn Văn Công cho biết, chỉ có ít diện tích bên Campuchia làm lúa vụ 2, còn lại là lúa mùa. Loại lúa mùa dài ngày này đang là đối thủ cạnh tranh nặng ký đối với mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam. “Người dân Campuchia có thuận lợi là dân số ít, trong khi đất đai rất rộng lớn, thuận tiện cho trồng lúa. Tuy nhiên, do điều kiện bắt buộc, ở nhiều vùng họ không thể làm lúa ngắn ngày như Việt Nam được nên họ phải làm lúa mùa dài ngày. Mặc dù năng suất thấp nhưng lúa của họ ngon và chất lượng hơn, đặc biệt ít tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (do thói quen ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật). Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều người tiêu dùng “khoái” gạo Campuchia hơn, ngay cả một số người Việt Nam cũng vậy” – ông Công phân tích.
Mặc dù kỹ thuật sản xuất của nông dân dân vùng ĐBSCL cao hơn Campuchia, giúp nước ta từ chỗ thiếu lúa ăn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng khi phóng viên hỏi, chúng ta có thể nghiên cứu, làm ra giống lúa cạnh tranh với Vương quốc Campuchia hay không thì Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Mình không có cửa”. Ông Công giải thích: “Lâu nay chúng ta sản xuất lúa gạo theo kiểu chạy theo hướng năng suất cao, chứ không phải chất lượng cao. Nếu làm chất lượng cao thì chúng ta sẽ không có gạo xuất khẩu nữa vì giống dài ngày, chất lượng cao cho năng suất rất thấp. Một năm chúng ta xuất đi từ 7-8 triệu tấn, bà con sản xuất như vậy quen rồi, giờ bắt người dân làm khác đi thì họ sẽ không làm đâu”.
Theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia về cây lúa, gạo Campuchia chủ yếu là gạo hạt dài, thơm, dẻo, ngon cơm tương đương với gạo Thái Lan và Lào. Người đân nước họ thích ăn gạo ngon, không thích ăn gạo dở nên không ham sản xuất lúa cho năng suất cao. Hiện nhà nông Campuchia cũng sản xuất với 2-3 giống được tuyển chọn từ hàng trăm giống lúa, mỗi giống có thời gian sinh trưởng từ 6-7 tháng, năng suất chỉ 3 tấn/ha. Ngược lại, ở Việt Nam, không có nông dân nào chịu trồng giống lúa năng suất thấp hơn 5 tấn và thời gian trồng phải dưới 100 ngày.
“Chuyện nay không phải do riêng nông dân ĐBSCL, mà cũng do cơ quan chuyên môn muốn chạy theo năng suất, sản lượng, muốn xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới. Nếu tiếp tục làm như vậy thì giá lúa gạo bán ra vẫn sẽ thấp, người dân không có lời” - GS Xuân nhận định.