Vào những năm 1920, một người đàn ông Đức tên Eugen Herrigel đến Nhật Bản và bắt đầu tập luyện ở Kyudo, trường đào tạo của các cung thủ ở Nhật Bản.
Herrigel được vị đại sư huyền thoại ở Kyudo tên là Awa Kenzo truyền thụ kỹ thuật bắn cung. Kenzo bị thuyết phục rằng sư môn nhập đạo trước nhất nên nắm bắt và tập luyện nhuần nhuyễn các nguyên tắc cơ bản của bắn cung trước khi cố gắng tiến tới các mục tiêu thật. Trong nhiều năm, Đại sư đã khổ cực tập luyện theo phương pháp này. Vì vậy trong 4 năm đầu tiên khi Herrigel nhập môn, ông mới chỉ được phép ngắm bắn vào một bó củi cách khoảng vài bước chân.
Cuối cùng, khi Herrigel được phép bắn các mục tiêu xa hơn ở thao trường, kết quả của Herrigel thật tệ hại. Các mũi tên đều chệch mục tiêu và cứ sau mỗi lần bắn, Herrigel lại càng thấy thê thảm hơn. Herrigel tin rằng vấn đề của ông là khả năng ngắm hạn chế. Đại sư Kenzo đáp lại: điều quan trọng không phải ở chỗ đích ngắm của con mà là ở cách thức con chọn để bắn hạ được mục tiêu.
Quá bực tức với kết quả và lời chỉ dạy của người thầy, Herrigel buột miệng thách thức Đại sư: “Nếu đúng như thế, sư phụ chắc phải bắn được trúng đích khi cả hai mắt đều bị che kín”.
Đại sư Kenzo dừng trong giây lát và trả lời: “Hãy đến chỗ ta vào tối nay”.
CUNG THỦ VÔ NHÃN ẢNH
Khi một mắt nhìn về đích đến, ta sẽ chỉ còn một mắt để tìm đường đi.
Khi bóng đêm buông xuống, hai người trở lại hậu viện nơi có sân tập. Kenzo bước tới khu vực tập bắn với những bia tập đang ẩn mình trong bóng tối đêm đen. Cung Thủ Đại Sư bước vào vị trí, giương cung, kéo căng dây cung và thả tay, mũi tên xé gió lao vùn vụt vào khoảng tối của bên kia sân tập.
Herrigel sau đó viết: "Từ âm thanh phát ra, tôi biết mũi tên đã trúng đích”.
Ngay lập tức, Đại sư rút tiếp mũi tên thứ hai và mũi tên lại lao thẳng vào trong bóng đêm tối đen. Herrigel vụt bật dậy và lao vào trong đêm đến bên kia sân tập để kiểm tra bia bắn.
Trong cuốn sách Thiền tập với cung thuật (Zen in the Art of Archery), Herrigel thuật lại :“Khi tôi rọi ánh sáng lên bia bắn, tôi sửng sốt phát hiện mũi tên đầu tiên đã găm sâu vào vị trí hồng tâm trong khi mũi tên thứ hai đã chẻ đôi đuôi của mũi tên thứ nhất và cắm ngập sâu vào bia bắn ngay cạnh mũi tên thứ nhất”.
PHƯƠNG PHÁP NGẮM BẮN QUYẾT ĐỊNH TẤT CẢ
Những cung thủ đại sư vĩ đại nhất thường chỉ dạy rằng cả “phương pháp ngắm bắn quyết định tất cả ”. Tư thế bắn cung, cách giương cung tên, cách bạn điều hoà hơi thở khi rời tay khỏi dây cung để mũi tên lao đi – tất cả đều góp phần ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Với trường hợp của Awa Kenzo, vị cung thủ Đại sư đã hết sức lưu tâm tới toàn bộ quá trình để đạt được một cú bắn chính xác đến nỗi Đại sư có thể lặp lại hàng loạt các động tác trong tâm trí mà không cần quan tâm quá nhiều đến mục tiêu thực sự hiện hữu. Đó là khả năng quán chiếu trọn vẹn cơ thể và tâm trí, còn gọi là Zanshin.
Zanshin là thuật ngữ sử dụng phổ biến trong võ đạo Nhật Bản để ám chỉ trạng thái thức tỉnh tịnh tâm. Zanshin có nghĩa là “tâm trí không vướng bận”. Nói một cách khác, Zanshin phản chiếu qua sự tập trung của một người võ sĩ khi người võ sĩ lùi lại, giữ vững tư thế phòng thủ sau mỗi lần ghi điểm, sẵn sàng tấn công hoặc phản đòn. Zanshin là khả năng tự nhiên nhận thức trọn vẹn cơ thể, tâm trí và mọi thứ xảy ra xung quanh.
Trong thực tế, Zanshin còn chứa đựng một tầng ý nghĩ sâu xa hơn. Zanshin là việc lựa chọn cách sống một cuộc đời có chủ đích và hành động có mục đích hay là buông mình sống vô thức và đón nhận những gì xảy ra trong cuộc sống một cách thụ động.
KẺ THÙ CỦA SỰ TIẾN BỘ
Nói một cách khác, một cuộc chiến không kết thúc khi bạn chiến thắng. Một cuộc chiến chỉ dừng lại khi khi bạn trở nên lười nhác, khi bạn lờ đi những cam kết bản thân và khi bạn đánh mất sự tập trung, cảnh giác. Đó cũng là tư tưởng của Zanshin: Thái độ sống gắn liền với sự thức tỉnh tịnh tâm bất kể mục tiêu đã được hoàn thành hay chưa.
Triết lý sống đó bạn có thể bắt gặp và vận dụng ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống:
Viết sách: Cuộc chiến không kết thúc khi bạn xuất bản được một tác phẩm. Nó kết thúc khi bạn coi như mình đã hoàn thành tác phẩm, khi bạn ngưng để tâm để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm.
Tập thể lực: Cuộc chiến không kết thúc khi bạn phá vỡ kỷ lục của bản thân. Nó kết thúc khi bạn không còn tập trung và bỏ luyện tập hoặc khi bạn mất quyết tâm và luyện tập quá sức và làm hại bản thân.
Lập nghiệp: Cuộc chiến không kết thúc khi bạn đạt được kết quả doanh thu lớn. Nó chỉ kết thúc khi bạn tự phụ, kiêu căng và tự mãn.
Kẻ thù của sự tiến bộ không phải là sự thất bại hay sự thành công. Kẻ thù của sự thất bại chính là sự buồn tẻ, mệt mỏi, đau đớn và thiếu tập trung. Kẻ thù của sự tiến bộ là thiếu cam kết với phương pháp luận đúng đắn để đạt mục tiêu. Phương pháp luận chính là tất cả.
Có một câu ngạn ngữ của Nhật nói rằng: “Khi chiến thắng cuộc chiến, hãy chỉnh đốn lại mũ giáp.”
NGHỆ THUẬT ZANSHIN TRONG MỌI MẶT CỦA CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT
“Mỗi người nên ứng xử với các hành động và các tình huống nhất quán với sự thành tâm, cường độ và sự quán chiếu nhận thức cũng như khi người đó trong tay cầm cung và tên” – Kenneth Kushner – Một mũi tên, một cuộc đời.
Chúng ta sống trong một thế giới quá bị ám ảnh bởi các thành tích. Giống như Herrigel, chúng ta có xu hướng đặt nặng vào việc mũi tên có trúng đích hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta tập luyện và để ý tới cường độ, khả năng tập trung và nhiệt tâm bằng cách quan tâm tới tư thế chuẩn bị bắn, cách chúng ta giương cung lên và cách chúng ta điều hoà hơi thở ra sao khi tên rời cung – thì việc bắn trúng mục tiêu chỉ là vấn đề của thời gian.
Bí kíp ở đây là đừng bao giờ quan tâm tới thành tích. Bí kíp là hãy dũng cảm đối mặt và trân trọng sự nhàm chán, đơn điệu khi phải tập luyện công việc lặp đi lặp lại và biết thu nạp tinh thần cốt yếu của phương pháp. Bí kíp là hãy quán chiếu tới thời khắc Zanshin, thời khắc của sự hoà hợp giữa sự thức tỉnh và tập trung trọn vẹn, và mang nó theo cùng bạn tới bất kỳ đâu trong cuộc sống.