Trở lại vùng lũ sau những ngày nước rút, chúng tôi không thể cầm lòng khi chứng kiến những cảnh đời, những phận người ở tận cùng của sự đau khổ. Cuộc sống của người dân vùng lũ, đặc biệt là người nông dân thật quá mong manh trước sự tàn phá của thiên tai.
Tỷ phú thành người nghèo
Suốt 5 ngày sau cơn lũ lịch sử, chị Đinh Thị Ánh (38 tuổi) - chủ trang trại nuôi heo lớn nhất TP.Đồng Hới vẫn không ăn uống được gì. Tiếc của, tiếc công sức bao năm chắt chiu, dành dụm phút chốc bị lũ cuốn sạch, chị không còn sức để nghĩ ngày mai mình phải làm gì? Chị Ánh nói trong nước mắt: “Mất hết rồi, mất hết sạch rồi. Tiền bạc, công sức bao năm làm lụng chừ trôi theo dòng nước lũ hết. Giờ tôi không chỉ thiệt hại trước mắt, mà cả khoản nợ ngân hàng, nợ tiền thức ăn chăn nuôi biết lấy nguồn đâu mà xoay sở”.
Sau đêm lũ, ngôi nhà của chị Trương Thị Thành đã bị nước lũ cuốn trôi, sau lũ chỉ còn lại một đống củi mục. Ảnh: Phan Phương
Chị Ánh kể, 4 năm trước, chị mua lại trang trại này từ một người khác, đầu tư 3 tỷ đồng để nuôi lợn và gia súc, gia cầm. Hàng năm chị cung ứng ra thị trường cả trăm tấn thịt lợn và thịt gia cầm, thu lợi hàng tỷ đồng. Tháng 10 này, trang trại chuẩn bị đợt thu hoạch lợn thịt thì chiều 15.10, sau một ngày mưa to chưa từng thấy, lũ cuồn cuộn đổ về. Vợ chồng chị cùng 7 công nhân kê kích tài sản, di chuyển lợn ở các dãy chuồng thấp lên xe ôtô nhưng không kịp. Trong chốc lát, trang trại thành biển nước.
Sau khi lũ rút, kiểm đếm lại thì 1.200 con lợn các loại cùng 700 con gà chọi đã bị lũ cuốn trôi hoặc chết chất đống trong chuồng. 300 tấn thức ăn gia súc cũng bị ướt bốc mùi hôi thối. Toàn bộ tài sản trong trang trại bị trôi hoặc ướt nhẹp. Hệ thống điều hòa cho chuồng nuôi lợn và các trang thiết bị cũng bị hư hỏng hết, tổng thiệt hại ước tính hơn 8 tỷ đồng.
Sau đêm căng mình chống lũ, liên tiếp mấy đêm trắng không ngủ được vì tiếc đàn gà 5.000 bị lũ cuốn trôi, khuôn mặt “vua gà” Trần Bình San (xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) gầy sọp, hốc hác. Với người đàn ông này, gà không chỉ là tài sản, mà đã thành bạn, thành tri kỷ.
Vợ San kể, từ hồi làm trang trại đến giờ, chưa bao giờ trang trại lại trống vắng đến như vậy. Ngay cả những lần dịch cúm gia cầm, trang trại của vợ chồng anh chị vẫn đầy ắp gà, bởi anh San theo dõi chu kỳ phát triển của gà rất nghiêm ngặt. Mỗi khi trở mùa, anh đều tăng cường sức đề kháng cho gà bằng nhiều thức ăn, thuốc bổ, vitamin. Anh ở với gà nhiều hơn ở với vợ. Mấy đêm nay anh không ngủ được, cứ mở cửa đi ra chuồng gà, ngồi thất thần cả đêm bên chuồng trại trống trơn.
Trang trại gà của anh San mỗi năm cho thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán gà thịt, gà con, trứng. Vậy mà chỉ một đêm mưa lũ, anh đã trắng tay.
Chỉ mới tuần trước, khi gặp anh tại buổi Lễ tôn vinh những nông dân tiêu biểu, xuất sắc 2016 của tỉnh Quảng Bình, tôi hứa sẽ lên trang trại của anh để viết bài, chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà của anh cho bà con nông dân cả nước. Nhưng giờ đây, chỉ qua một cơn lũ dữ, đã biến người đàn ông mạnh mẽ, hoạt bát hôm nào thành một người đàn ông ít nói, nhìn anh buồn, tôi thấy chạnh lòng thay cho hàng nghìn nông dân khác. Tài sản một đời tích góp, qúa mong manh trước những hiểm hoạ bất ngờ của thiên nhiên. Thiên tai có thể đẩy một người nông dân mà đêm trước họ là tỷ phú, triệu phú thành trắng tay ở đêm sau…
Lũ “cuốn” người nghèo đến tận cùng cái nghèo
Tái đàn, nói thì dễ nhưng làm đâu có dễ. Chỉ riêng tính chi phí con giống, tiền thức ăn... đã hàng trăm triệu đồng. Mà bây giờ, tôi lấy đâu ra khoản tiền lớn như thế. Đang định tháng nữa bán hết lứa gà thịt lấy tiền trả nợ tiền thức ăn chăn nuôi, giờ thì còn đâu...”. |
Nằm một bên rìa sông Gianh, đã quá quen với việc chạy lũ, nhưng năm nay, lũ trên sông lên quá nhanh, người dân thôn Đồng Lâm, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá không thể trú chân trong những ngôi nhà của chính mình. Sau nhiều ngày trốn lũ ở lèn đá, nước vừa rút, người dân trở về làng. Trước mắt họ, những ngôi nhà không còn nguyên vẹn trước sức tàn phá của thiên nhiên, có cái thì tốc mái, có cái mất một bên hông, có cái thì đổ sập. Cả thôn có dăm bảy chục hộ dân, mà có hơn một nửa nhà bị hư hại sau lũ.
Bàng hoàng chứng kiến ngôi nhà của mình chỉ còn một đống ngổn ngang, chị Trương Thị Tình (41 tuổi) khóc cạn nước mắt khi bàn thờ và di ảnh người chồng mới mất 1 năm trước của chị bị dòng nước lũ cuốn trôi. Còn mấy bữa nữa là đến ngày giỗ đầu của chồng, giờ đến bàn thờ cũng không còn.
Ôm chặt hai đứa con vào lòng, chị nghẹn ngào: “Sao trời không thương dân nghèo tụi tui vậy trời?”. Từ ngày chồng mất, không ruộng, không nghề, chị làm thuê đủ thứ nghề để nuôi hai con ăn học. Xóm giềng thương, thỉnh thoảng cho mẹ con chị dăm cân gạo, mấy bộ quần áo cũ. Nay quần áo cũng trôi, xoong nồi cũng trôi mất… “Nhà chẳng còn gì…”- nghe mà khoé mắt cay cay.
Trong chuyến cứu trợ đến bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tôi cùng các thành viên trong đoàn đứng tần ngần trước bàn thờ chưa có di ảnh của em Hồ Thị Long (học sinh lớp 8). Em bị nước lũ cuốn vào ngày 16.10 khi trên đường từ trường trở về nhà. Bàn thờ em đơn sơ đến tội nghiệp. Không hoa, không quả, đến cái bát nhang chưa kịp mua vì nước lũ dâng cao, người trong nhà lấy chiếc thau nhựa làm bát nhang thờ, đón nhận từng nén tâm nhang của bà con chòm xóm trong ngày tiễn em về với đất mẹ.
Nhìn người mẹ của em đờ đẫn sau mấy ngày tiễn đưa em, ai cũng xót xa. Chị bảo: “Con bé mất đúng ngày mưa lũ, muốn làm cho con cái bàn thờ đàng hoàng mà cũng đâu có được. Sống đã khổ mà chết cũng chẳng sướng hơn".
Trời về chiều, sương núi lạnh giăng mờ bản nhỏ. Bản đã nghèo, nay còn nghèo hơn khi cơn lũ đi qua.
(Còn nữa)