Năm nay, Hội sách Frankfurt – Đức diễn ra từ 19 đến 23.10. Nhân dịp này, báo Dân Việt có cuộc trò chuyện với nhà văn Vĩnh Quyền, người liên tiếp hai năm có tác phẩm dự hội sách lớn nhất hành tinh này: tập truyện ngắn “The Dusk Wolf” (Sói hoàng hôn, NXB Hội Nhà văn, 2015) và tiểu thuyết “Debris of Debris” (Bản tiếng Việt “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” giải B tiểu thuyết 2011-2015 Hội Nhà văn (không có giải A), NXB HNV, 2016).
Nhà văn Vĩnh Quyền
Cách đây 6 tháng, trong chuyến thăm và tìm hiểu tình hình xuất bản tại Việt Nam, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt cho rằng các nhà xuất bản, công ty sách Việt Nam đến hội sách quốc tế chủ yếu săn mua bản quyền phục vụ mảng sách dịch chiếm trên 40% hoạt động xuất bản trong nước, vì vậy gian hàng của Việt Nam rất khiêm tốn, sản phẩm trưng bày không đáng kể so với các nước ASEAN. Bà ngỏ ý sẵn sàng giúp ngành xuất bản Việt Nam có được gian hàng nổi bật hơn tại Frankfurt với điều kiện VN nâng cao giá trị xuất bản phẩm trong nước, đặc biệt mảng văn học, cầu nối tốt nhất giữa các nền văn hóa. Anh nghĩ sao về thực tế này?
Theo Hội Xuất bản Việt Nam, sách dịch hiện chiếm tới 70-80% chứ không phải 40%. Hơn nửa số ấy là dịch “chợ”. Nhan nhản truyện ngôn tình made in China, nguồn sống của hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách Việt Nam. Toàn dịch xuôi. Dịch ngược như là của hiếm. Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ VN được các nhà xuất bản nước ngoài tổ chức dịch và xuất bản chỉ khu trú trong một danh sách ngắn và quen thuộc…
Thỉnh thoảng trong nước cũng có tác giả tự đầu tư từ công dịch đến công in tác phẩm, cả trăm triệu đồng, nhưng đó là cuộc chơi cá nhân hơn là xuất bản đúng nghĩa. Bà Phó chủ tịch Claudia Kaiser đã điểm trúng chỗ yếu của xuất bản Việt Nam: giá trị xuất bản phẩm trong nước. Đúng vậy, quan trọng hơn chuyện dịch là dịch cái gì, đâu là tác phẩm tầm quốc tế để nhà xuất bản nước ngoài có thể bỏ tiền mua bản quyền? Danh sách này còn ngắn hơn. Tình hình hiện nay, dẫu bà Phó chủ tịch Frankfurt ưu ái Việt Nam, thì chúng ta cũng chưa thể “nổi bật” ở một hội sách đỉnh cao như vậy.
Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 3 hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, lần gần nhất vào tháng 3 năm 2015. Theo anh, giới nhà văn đã nhận được kết quả gì từ nỗ lực đưa văn học Việt Nam ra thế giới của hội nghề nghiệp?
– “Vẫn chưa gì cả”, nhà thơ Inrasara nói vậy. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng hội nghị tốn kém nhưng hiệu quả không bao nhiêu vì vấn đề là “văn học Việt Nam lúc này có gì để đãi khách?”, và nếu có vài tác phẩm nằm trên giá sách nước ngoài thì do cá nhân nhà văn tự mở đường, theo lối xuất khẩu “tiểu ngạch” chứ không phải qua “kênh quảng bá của nhà nước”.
Được biết, trước khi NXB Hội Nhà văn xuất bản “Debris of Debris” để bây giờ đến Frankfurt với tư cách “người nhà”, tiểu thuyết này đã lần lượt xuất bản ở Mỹ, Anh và được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc lý do tại sao anh quyết định viết bằng tiếng Anh?
Sau khi xuất bản hơn mười đầu sách, tôi có nhu cầu bước ra khỏi ngôi nhà văn chương quen thuộc, làm mới bản thân. Phương diện ngôn ngữ mới: tiếng Anh. Hiện thực và nhân vật mới (chưa được văn học Việt Nam dành nhiều quan tâm): Thế hệ trí thức trẻ miền Nam trước 1975 nhặt lấy mảnh vỡ phận mình bước tiếp trên con đường không bằng phẳng để tìm kiếm tương lai trong xã hội mới, chế độ mới... Lối viết mới: Nhà văn làm người quan sát.
Trong lời bạt tôi thưa rõ: Nhà văn có quan sát riêng, xuyên qua bề ngoài để khám phá chuyển động bên trong con người và mô tả bằng ngôn ngữ tiểu thuyết. Con người, đối tượng của nhà văn, dù vị trí nào, phe phái nào, đều được nhà văn đối xử như nhau trong quá trình phát hiện, khám phá và mô tả. Nhà văn cũng không né tránh những “vùng cấm” theo luật bất thành văn ở VN lâu nay, chẳng hạn không “thả nổi” cho nhà văn nước ngoài “độc quyền” khai thác các hiện thực được cho là nhạy cảm như trại cải tạo, vượt biên...
Cuốn sách "Mảnh vỡ" ấn bản bằng tiếng Anh do NXB Hội Nhà văn phát hành
Được biết số phận của cuốn sách khá long đong lận đận và đã từng bị từ chối xuất bản trước khi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn?
Bốn năm viết, một năm “gõ cửa” thiên hạ bằng email, “Debris of Debris” được Đại học Saint Benedict (Minnesota, Mỹ) đón nhận năm 2009. Mất thêm ba năm tu chỉnh tiếng Anh, ra được bản thương mại đầu tiên tại NXB Austin Macauley (London, Anh).
Thế là vượt qua được rào cản ngôn ngữ, mở được cánh cửa ngành công nghệ xuất bản Anh-Mỹ. Thế nhưng lại vấp phải rào cản của nhà mình khi trở về: 50 cuốn “Debris of Debris” do nhà xuất bản gửi cho tác giả đã không được phép thông quan. Sở TTTT TP Hồ Chí Minh sau gần hai tháng đọc kiểm tra ra quyết định không cho nhập “Debris of Debris” vì có nội dung “oán trách chế độ, gây mâu thuẫn trong nhân dân”!
Tôi bác bỏ nhận định của họ và yêu cầu “Debris of Debris” phải được thẩm định bởi một hội đồng nghệ thuật. Chỉ gặp sự im lặng. Tự tìm lấy một “hội đồng nghệ thuật cấp quốc gia” cho mình, tôi gửi bản tiếng Việt của “Debris of Debris” dự cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt NamViệt Nam đang diễn ra. Kết quả là “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” đoạt giải cao. Sau “thẩm định” ấy, “Debris of Debris” được in ngay trong nước, rồi lại sang Frankfurt dự hội sách bằng đường “chính ngạch”.
Xin cảm ơn anh!