Hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu do CDC triển khai tại 50 quốc gia nhằm nâng cao năng lực phát hiện và đáp ứng với các nguy cơ sức khỏe toàn cầu. Bên cạnh việc hỗ trợ trang thiết bị cho Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp, CDC Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để vận hành văn phòng.
Ảnh minh họa
Tham dự buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, việc thiết lập và đưa vào hoạt động Văn phòng EOC là một trong những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc thực thiện những cam kết của mình trong việc tham gia Chương trình hợp tác An ninh y tế toàn cầu.
“Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của các bệnh truyền nhiễm do đó các dịch bệnh không chỉ đe doạ riêng đối với Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang lây truyền xuyên quốc gia, bùng phát nhanh chóng trong vòng vài giờ, vài ngày như: SARS, cúm A/H1N1, H5N1, H7N9, MERs-Cov, Ebola, Zika… Sự nguy hiểm, tính cấp bách và những thách thức của các vấn đề dịch bệnh mang tính toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia, khu vực và toàn thế giới phải liên kết lại để có những kế hoạch, chiến lược phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan các dịch bệnh một cách linh hoạt và hiệu quả hơn” – Thứ trưởng Long cho biết.
Đại diện Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, Văn phòng EOC tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có nhiệm vụ thu thập thông tin về dịch bệnh của 28 tỉnh khu vực phía Bắc Việt Nam để xây dựng nguồn dữ liệu quốc gia về dịch bệnh, đưa ra cảnh báo khi có sự kiện bất thường về dịch bệnh; đồng thời kết nối với Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp quốc tế.