Dân Việt

Cấp bách đổi mới chuỗi giá trị lúa gạo

TS. Đào Thế Anh 23/10/2016 13:30 GMT+7
Từ sau đổi mới, khối lượng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam tăng liên tục, đến năm 2012 đạt gần 8 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đó đến nay xu hướng XK giảm cả về số lượng và giá trị.

LTS: Báo NTNN ngày 20 và 21.10 đăng loạt bài “Không tên tuổi, gạo Việt thua đau”. Xung quanh vấn đề này, TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam đã gửi cho NTNN bài viết tựa đề “Đổi mới chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam – việc cấp bách”. NTNN xin giới thiệu với  bạn đọc.

Gạo Việt thua đau về giá

Sản xuất lúa gạo là một trong những thành tựu lớn của nông nghiệp Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Tuy diện tích gieo trồng không tăng nhiều (năm 2015 đạt hơn 7,6 triệu ha), song sản lượng lúa liên tục tăng trưởng và năm 2015 đã đạt trên 45 triệu tấn, năng suất lúa bình quân cả nước đạt 5,77 tấn/ha. Mức tăng trưởng năng suất này có đóng góp quan trọng của đầu tư nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chọn giống lúa và hệ thống thủy lợi.

img

Thu hoạch lúa hè thu ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: T.H.S.T

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2015 tại vùng sản xuất lúa ĐBSCL, nông dân sử dụng tới 45 giống trong sản xuất, trong khi Thái Lan chỉ sử dụng 6 giống, Ấn Độ có 23 giống.  Campuchia mới XK lúa gạo cũng chỉ có 13 giống...

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) năm 2014, năng suất lúa Việt Nam đạt bình quân 5,75 tấn/ha - mức khá cao so với các nước xuất khẩu gạo chính như Ấn Độ (3,6 tấn/ha), Thái Lan (3 tấn/ha), Pakistan (2,4 tấn/ha). Tuy nhiên so với các nước tiên tiến về sản xuất lúa thì Việt Nam còn kém khoảng 1 tấn/ha: Trung Quốc 6,75 tấn/ha, Nhật Bản 6,7 tấn/ha. Với mức độ đầu tư cho nghiên cứu thấp và trình độ công nghệ như giai đoạn vừa qua, chúng ta vẫn đảm bảo có tăng trưởng năng suất lúa bình quân, tuy nhiên mức độ tăng đã giảm rõ rệt: Giai đoạn 1990-1995, tăng trưởng năng suất lúa bình quân đạt 3%/năm, trong khi giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 1,04%/năm.

Từ sau đổi mới, khối lượng xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam tăng liên tục, đến năm 2012 đạt gần 8 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đó đến nay xu hướng XK giảm cả về số lượng và giá trị. Năm 2015, sản lượng XK gạo chỉ đạt 6,56 triệu tấn, kim ngạch 2,68 tỷ USD, giá XK bình quân 408 USD/tấn, thấp hơn năm 2014 (464 USD/tấn). Đáng chú ý, gạo XK của Việt Nam vẫn chủ yếu ở chất lượng trung bình và cấp thấp. Về thị phần, châu Á là chủ đạo chiếm 74%.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đã chú ý đẩy mạnh XK phân khúc gạo cao cấp, theo đó gạo thơm và gạo trắng cao cấp 5% tấm năm 2015 tăng 27,8% so với 2014. Tuy nhiên gạo chất lượng của Việt Nam mới chỉ vào được thị trường châu Phi, đạt 13,7% thị phần năm 2015. Ở thị trường này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo thơm Việt Nam được ưa chuộng vì chất lượng chấp nhận được và giá rẻ hơn nhiều so với gạo thơm Thái Lan. Cụ thể, năm 2015, gạo Jasmine Việt Nam có giá trung bình 483 USD/tấn, còn Thái Lan ở mức 800 USD/tấn (số liệu của FAO).

Nhìn chung, gạo Việt Nam ở thời điểm hiện tại cùng phân khúc chất lượng như 5% tấm hay 25% tấm đều có mức giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Đây có thể là ưu thế cho các doanh nghiệp XK thâm nhập thị trường mới, nhưng nếu duy trì mức giá thấp như vậy nông dân hầu như không có lãi và không thể duy trì chuỗi giá trị XK gạo bền vững.

Tìm hiểu về chiến lược XK gạo thì thấy năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, chiếm 18,3% thị phần, sau Ấn Độ và Thái Lan. Các nước cạnh tranh chính đều có gạo được đăng ký thương hiệu bảo hộ trên thế giới như Basmati của Ấn Độ và Pakistan, Hom Mali của Thái Lan, cho phép bán giá cao. Trong khi gạo thơm Việt Nam, có khoảng 64% là giống Jasmine 85 nhưng lại chưa đăng ký bảo hộ được do giống chưa có nguồn gốc. Các yếu tố khác là số lượng giống sản xuất trong cùng thời vụ nhiều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tổ chức sản xuất theo vùng cùng giống lúa gây lẫn giống, ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2015 tại vùng sản xuất lúa ĐBSCL, nông dân sử dụng tới 45 giống trong sản xuất, trong khi Thái Lan chỉ sử dụng 6 giống, Ấn Độ có 23 giống. Ngay cả Campuchia mới XK lúa gạo, họ cũng chỉ có 13 giống và rất chú ý đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm gạo chất lượng cao như Jasmine Campuchia dựa trên các giống đặc sản địa phương của họ. Thái Lan đặc biệt chú ý đăng ký bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý cho gạo, xây dựng thương hiệu quốc gia và cấm bán bản quyền giống lúa ra nước ngoài.

Việt Nam nhiều lợi thế

Theo dự báo của FAO năm 2014, trong giai đoạn 2015-2023, thương mại gạo toàn cầu tăng 1,5%/năm; các nước nhập khẩu gạo của châu Phi, khu vực Trung Đông hay Indonesia, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Trong 10 năm tới, Thái Lan và Việt Nam có khả năng chiếm 47% lượng cung XK gạo thế giới. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam sẽ là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan - là các nước có chiến lược XK gạo chất lượng cao, nhưng cũng có cả gạo chất lượng thấp. Nhu cầu gạo chất lượng trên thế giới sẽ tăng với các loại chính như gạo thơm, gạo hạt tròn Japonica, gạo trắng hạt dài, gạo đồ, gạo thảo dược…

Xu hướng phân cấp chất lượng gạo trên thế giới có thể chia thành 5 cấp: Cấp 1: Gạo thơm, hạt dài, gạo đặc sản địa phương. Loại gạo này có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên giống đặc sản. Cấp 2: Gạo thơm thường; cấp 3: Japonica, nếp; cấp 4: Gạo trắng 5% tấm hạt dài chất lượng cao; cấp 5: Gạo trắng 10% hay 25% tấm. Về tiềm năng, Việt Nam có thể sản xuất đáp ứng được các loại gạo chất lượng trên, tuy nhiên để tham gia được thị trường thế giới với chiến lược chất lượng cao thì phải điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và nghiên cứu đáp ứng các loại gạo theo phân cấp này. Các khâu có tác động đến chất lượng hạt gạo có liên quan đến việc áp dụng công nghệ theo chuỗi giá trị lúa gạo bao gồm: Khâu chọn giống, khâu sản xuất (kỹ thuật canh tác, mùa vụ, vùng sinh thái, khí hậu…), khâu sau thu hoạch và quản trị chất lượng chuỗi giá trị.

Hiện nay, khâu sản xuất lúa gạo của Việt Nam được cấu thành bởi quy trình kỹ thuật canh tác lúa chung bao gồm 8 bước kỹ thuật: Làm đất, sử dụng hạt giống và làm mạ, gieo cấy, bón phân, trừ cỏ, quản lý nước, bảo vệ thực vật, thu hoạch và tách hạt. So với thế giới, mức độ áp dụng công nghệ hiện đại của 8 bước kỹ thuật trong sản xuất lúa ở nước ta như sau: Làm đất bằng máy đạt 90%, làm mạ 10%, gieo cấy 15%, bón phân 2%, trừ cỏ 10%, quản lý nước 75%, bảo vệ thực vật 40%, thu hoạch và tách hạt 60%. Tuy nhiên, năng lực cơ giới hóa của sản xuất lúa Việt Nam mới chỉ đạt mức thấp là 2,2 mã lực (HP)/ha canh tác (Thái Lan là 4 HP/ha, Trung Quốc là 8 HP/ha).

Tổng kết về hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa ở ĐBSCL so với Thái Lan năm 2014, Việt Nam có giá thành lúa là 158USD/tấn, thấp hơn của Thái Lan 246USD/tấn. Tuy nhiên lợi nhuận trên ha lúa của Thái Lan lại cao hơn 893USD/tấn so với 650USD/tấn của Việt Nam. Nguyên nhân là do Việt Nam có giá mua lúa tại ruộng thấp, chủ yếu là mua lúa tươi và chính sách giá sàn chưa hiệu quả, trong khi nông dân Thái Lan được trợ cấp giá mua lúa.

Về cơ cấu chi phí cho sản xuất lúa, Việt Nam có tổng chi phí thấp hơn nhưng lại có chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học cao hơn Thái Lan. Đây là điểm yếu của gạo Việt vì vẫn còn dư lượng hóa chất cao, bị đánh giá là điểm yếu trong xuất khẩu, trong khi Thái Lan cũng có những yếu tố chi phí cao hơn như thủy lợi, thuê nhân công lao động và chi phí máy móc. Đây có thể coi là lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam, nếu chúng ta tối ưu hóa được khâu sử dụng hóa chất trong sản xuất... 

Chỉ sử dụng khoảng 10 giống lúa

Để gạo Việt Nam tham gia được vào thị trường chất lượng cao thì chiến lược nâng cấp chất lượng gạo cần được hoạch định cụ thể: Nâng cấp từ gạo cấp 2 và cấp 3 lên cấp 1 để có thể đăng ký xây dựng được thương hiệu quốc tế. Bên cạnh đó, cần nâng cấp gạo cấp thấp từ cấp 4 và 5 lên gạo trắng cấp 3 để nâng giá trị - điều cần thiết để nâng tỷ trọng gạo chất lượng cao trong tổng lượng XK.

Mục tiêu của ngành lúa gạo đến 2030 dựa trên đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo (năm 2016) là: Tăng cường sử dụng giống lúa thơm hạt dài, giống đặc sản bản địa; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 80% diện tích; sử dụng khoảng 10 giống sản xuất gạo cấp 1, 2 và 3; cơ giới hóa 100% ĐBSCL, 70% các vùng khác; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững 75%, giảm thuốc BVTV 30%; cánh đồng liên kết trên 50%; giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch dưới 6%. Đặc biệt là về thị trường: Đạt 50% lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% lượng gạo XK thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.