Bánh cuốn ngon trước hết ở bột làm bánh, từ loại gạo ngon (gạo không mới quá hoặc cũ quá), khi xay có tỷ lệ nước thích hợp để không bị loãng hoặc vón cục.
Bột thật mịn thì khi tráng lên lớp vỏ bánh mới mềm mịn, không dính tay. Nhân bánh làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, miến… được xào với gia vị đậm đà. Khác với bánh cuốn truyền thống miền Bắc chỉ ăn kèm chút hành phi, chả lụa, một đĩa bánh cuốn kiểu Nam gồm cả bánh tôm, nem miền Tây. Chủ quán tráng bánh, gói nhân và cắt bánh vào đĩa, cho chả, nem lên trên, sau cùng là một ít giá đỗ trụng sẵn và rau thơm vào chung hoặc để riêng một đĩa tùy yêu cầu thực khách.
Đĩa bánh cuốn kiểu Nam, có chả, bánh tôm và nem (Ảnh: Minh Đỗ).
Chủ quán trước đây là bà Bý, hiện nay đã ngoài 90 tuổi, truyền nghề lại cho con dâu và con gái. Bà Lan hiện tiếp quản quán bánh cuốn này cho biết, các công đoạn làm bánh như chọn gạo xay bột, làm bánh tôm, xào nhân, phi hành… đều do các thành viên trong gia đình thực hiện, theo công thức và bí quyết của bà Bý, để luôn có những mẻ bánh chất lượng. Khách của quán chủ yếu là khách quen. Có những người quen thuộc với hộp bánh cuốn ăn sáng từ thời học sinh, sinh viên những năm 1980, 1990. Quán vỉa hè chỉ có vài cái bàn, khách thường mua hộp bánh mang đi.
Hẻm 150 cũng là địa chỉ ẩm thực Sài Gòn nổi tiếng ở quận 1 với nhiều món ngon như cơm tấm, xôi, bánh mì, lại gần khu phố Tây nên cũng có du khách nước ngoài đi ngang qua ghé ăn. Bà Lan chia sẻ, bánh cuốn ở đây kiểu Nam, nên có hương vị hơi ngọt, đặc biệt là nước chấm, với khách là người Bắc hoặc khách Tây thì thường yêu cầu thay đổi vị nước chấm cho hợp khẩu vị. Giá trụng và rau thơm cũng làm món ăn thanh đạm và bớt ngán.
Nhân bánh được xào trước cho đậm đà, làm nên vị ngon của bánh cuốn (Ảnh: Huấn Phan).
Quán bánh cuốn mở từ 5h30 sáng đến 12h trưa, những ngày đông khách có thể hết hàng sớm hơn. Giá một phần đầy đủ là 25.000 đồng tại hẻm 150 Nguyễn Trãi, quận 1. Đây là một trong những địa điểm ăn uông ở Sài Gòn nhất định phải thử.