Dân Việt

Giảm béo siêu tốc - Coi chừng giảm... sức khỏe

17/08/2011 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Trên thị trường đang xuất hiện nhiều thực phẩm được quảng cáo giảm béo siêu tốc, có thể giảm cân... theo giờ. Và đã có không ít người phải nhập viện vì mất nước, chán ăn đến độ suy nhược cơ thể.

Các loại trà, thực phẩm giảm cân hiện đang tràn về nông thôn, nơi chị em bắt đầu có nhu cầu làm đẹp, giữ dáng. Tuy nhiên, vì thiếu thông tin nên chị em chủ yếu uống theo kiểu “truyền miệng”.

Uống theo đơn “truyền miệng”

Chị Nguyễn Bích Thủy (Đoan Hùng, Phú Thọ) mất tự tin vì béo sau sinh. Trước đó, chị cao 1m63, nặng 54kg, sau sinh tăng vọt lên 79kg. Chị bảo: “Tôi rất khổ tâm, họ hàng, nhất là nhà chồng thường hỏi móc kiểu như: Ăn gì mà béo thế, ăn hết phần của chồng con…”.

img
Một loại sản phẩm giảm béo được quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Sau đó, chị sử dụng trà giảm béo Figura theo lời giới thiệu của bạn. Chị nói: “Trà có vị ngai ngái, nếu uống vào buổi sáng sớm chưa ăn sáng thì bụng sẽ cồn cào, gây nôn oẹ, rất mệt mỏi”. Cũng chính vì thế mà chỉ sau hai tuần thử nghiệm, chị “cạch” hẳn với loại trà này.

Chị Hoàng Thị Nga ở Nông Cống (Thanh Hoá) thì giảm được cân nhưng phải vào bệnh viện cấp cứu. Đọc thông tin quảng cáo về cà phê Green Coffee, chị Nga đặt hàng mua về uống. Kết quả, sau gần 1 tháng uống Green Coffee, chị giảm 5kg, kèm theo đó là các hiện tượng cơ thể mỏi mệt, mắt căng ra, hay chóng mặt. Mới đây, chị phải nhập viện cấp cứu vì bị tụt huyết áp.

Chị Nguyễn Thu Hà (xã Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội) thì có điều kiện tiếp cận với Internet nên biết trang web 2day... bán các loại thực phẩm giảm béo. Theo đó, có loại kết hợp với bột trà xanh, nấm linh chi, quả cọ, giá dao động từ 240.000 - 800.000 đồng/hộp, có loại tới cả triệu đồng/hộp.

Chị Hà thở dài: “Qua trang mạng này, tôi và người bạn mua trà giảm béo linh chi. Hàng được ghi là có xuất xứ tại Nhật Bản nên phần nào yên tâm. Không ngờ, vừa uống được 2 ngày, tôi liên tục bị tiêu chảy nên phải dừng hẳn”.

Người tiêu dùng cần cảnh giác

Cảnh báo về vấn đề này, PGS - TS Nguyễn Khánh Trạch - Chủ tịch Hội Tiêu hoá Việt Nam cho biết: Cà phê hay trà xanh là thức uống giải khát mỗi ngày, không có chức năng giảm cân. Nếu sử dụng loại sản phẩm này mà giảm cân rõ rệt thì người tiêu dùng nên xem xét lại tình trạng sức khỏe và cần có sự kiểm tra của bác sĩ.

“Có thể sản phẩm này giúp giảm cân không do cà phê, trà, hoặc các chất đã ghi trên vỏ hộp, mà do một số chất trộn lẫn bên trong nhưng nhà sản xuất không nêu ra. Do vậy, sản phẩm cần được các cơ quan chức năng xét nghiệm, đo lường chất lượng tránh gây hại cho người tiêu dùng” - PGS-TS Nguyễn Khánh Trạch nói.

Qua khảo sát sơ bộ của Cục Quản lý dược, hiện nay trên thị trường có không dưới 700 sản phẩm trà, sữa và hàng nghìn loại mỹ phẩm được quảng cáo có công dụng giảm béo. Tuy nhiên, số được Viện Dinh dưỡng hay Cục Quản lý dược kiểm nghiệm và thông qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Trạch, ngành y tế cần khuyến cáo người tiêu dùng rằng, các loại thuốc, thực phẩm giúp giảm cân thường gây mất nước, chán ăn, nhuận trường, tiêu chảy cấp. Dùng chúng thường xuyên có thể dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Thực tế chữa bệnh, ông đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh đường ruột do lạm dụng các sản phẩm đồ uống giảm béo.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thừa nhận: Việc nhà sản xuất công bố các thành phần trên vỏ hộp cũng chưa hẳn đã thực sự chứng minh được công dụng thật của sản phẩm. “Hiện hệ thống kiểm tra, giám sát của chúng ta còn quá mỏng, không đủ lực để kiểm tra. Thực tế, có nhiều nhà sản xuất đã giấu, không in các thành phần gây bất lợi tới sức khỏe người tiêu dùng trên vỏ hộp”.

Do đó, ông Thanh khuyến cáo người tiêu dùng: “Khi mua sản phẩm giảm béo, mỹ phẩm, cần lựa chọn các sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có kiểm nghiệm để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”.