Dân Việt

Giải U20 thế giới: Lơ là tìm kiếm tài năng trẻ

17/08/2011 06:27 GMT+7
(Dân Việt) - Dù chưa kết thúc nhưng Giải vô địch bóng đá U20 thế giới đã thất bại toàn diện về chuyên môn khi “bệ phóng cho các tài năng trẻ” không còn giữ được tôn chỉ ấy nữa.

Bệnh thành tích lên ngôi

Từ đấu trường này, những Maradona, Figo, Rui Costa, Suker, Messi, Aguero… đã được cả thế giới biết đến và sau đó tỏa sáng rực rỡ ở mọi cấp độ. Nhưng tại giải đấu năm nay, dường như mọi đội bóng tham dự đều tỏ ra máu mê về thành tích chứ chẳng mấy quan tâm tới các khía cạnh khác.

Bằng chứng là ngay từ khi giải còn chưa khai mạc, HLV Lara Eduardo của đội chủ nhà U20 Colombia đã hùng hồn tuyên bố: “Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là giành quyền vào chơi trận chung kết”. “Tinh vi” không kém, tiền vệ Kiko của U20 Tây Ban Nha mạnh miệng: “Tây Ban Nha đang thống trị bóng đá thế giới ở mọi đẳng cấp và “nhiệm vụ” của chúng tôi là đoạt chức vô địch”.

img
Costa Rica (trái) với lối đá và cách hành xử hung bạo đã làm xấu đi hình ảnh của giải U20 thế giới .

Nói chưa đủ, các đội còn thể hiện luôn bằng hành động. Sau khi thua chủ nhà U20 Colombia bởi quả phạt đền ở phút cuối trận, các cầu thủ U20 Costa Rica ra sức “phang” các đồng nghiệp trong khoảng thời gian đấu bù ít ỏi và khi tan trận, họ xúm lại chửi rồi dọa hành hung trọng tài Mark Clattenburg, đến nỗi “vua sân cỏ” phải rời sân với sự trợ giúp của các nhân viên an ninh.

Trong khi đó, ở trận kết gặp U20 Tây Ban Nha, mới đến giữa hiệp 2, HLV Ney Franco của U20 Brazil đã vội vàng rút các tiền đạo Willian, Coutinho ra, sau đó rút nốt cả Oscar trong hiệp phụ để tung vào các hậu vệ hoặc tiền vệ thủ và ra sức… tử thủ để đưa trận đấu đến loạt sút luân lưu. Dù đã thắng ở loạt “súng ngắn” này, nhưng U20 Brazil sau đó bị báo chí nước nhà phê phán đủ kiểu vì quá ham hố thành tích.

Làm gì còn “sao” mà cần “bệ phóng”

Của đáng tội, trách các đội bóng ham thành tích một thì phải trách các ngôi sao trẻ và các câu lạc bộ của châu Âu mười. Ngày xưa, Maradona từng bị gạch tên khỏi đội hình dự World Cup 1978 rồi sau đó mới được tạo điều kiện để tỏa sáng ở giải U20 năm 1979.

Van Basten cũng phải thể hiện hết mình tại giải U20 năm 1983 rồi mới trở thành một trong những chân sút hàng đầu thế giới khi trở thành Vua phá lưới và giúp đội tuyển Hà Lan đăng quang ở Euro 1988.

Mới đây, Aguero cũng phải nhờ tới giải U20 năm 2007 để trở thành ngôi sao thực thụ trên bầu trời bóng đá. Nhưng bây giờ, giải U20 không còn tạo được cảm hứng với các ngôi sao trẻ có chút tiếng tăm nữa.

Khi tổ chức giải vô địch bóng đá U20 thế giới lần đầu tiên cách đây 34 năm, mục đích của FIFA là tạo ra sân chơi lành mạnh cho các cầu thủ trẻ thể hiện tài năng để sau đó trở thành ngôi sao thực thụ.

Với cái mác “tuyển thủ quốc gia”, Neymar và Ganso (Brazil) khỏi cần đá với đám U20 làm gì cho nhọc sức mà họ đang ra sức bàn thảo hợp đồng với các đội bóng lớn. Tương tự, Oriol Romeu (Tây Ban Nha) miễn cưỡng đá giải lần này, nhưng chơi rất mờ nhạt bởi trí óc anh này đang phiêu diêu ở nước Anh sau khi ký hợp đồng chuyển từ Barcelona sang Chelsea.

Các câu lạc bộ châu Âu sau khi đã tìm mọi cách thu mua tất cả “lúa non” ở Nam Mỹ, châu Phi thông qua các giải bóng đá cấp câu lạc bộ giờ cũng tỏ ra thờ ơ với giải U20 thế giới. Bằng chứng là các tuyển trạch viên của những đội bóng hàng đầu bây giờ đang tranh thủ thời gian đi thương thảo hợp đồng với các ngôi sao thực sự chứ chẳng mấy ai cất công sang Colombia ngồi xem để “đãi cát tìm vàng”. Nói như Frank Anersen, giám đốc thể thao của Hamburg (từng làm việc ở Chelsea), thì: “Qua đó xem bóng đá chỉ tổ phí thời gian bởi làm gì còn ngôi sao tiềm năng nào nữa mà lựa chọn”.

Anersen nói không sai bởi từ đầu giải đến giờ, đúng là chẳng có cầu thủ nào thể hiện được phẩm chất của một siêu sao tương lai. Vậy thì, giải U20 thế giới lần này bị coi là nhạt nhẽo cũng phải.