Tạo không khí như bữa cơm gia đình, không tăng giá, lên thực đơn riêng… là những chiêu được các hàng quán tung ra nhằm thu hút khách trong thời điểm dân văn phòng trở lại thời xách “cà mèn” đi làm để tiết kiệm.
Thực đơn khác biệt
Ăn cơm hộp, cơm dĩa với thực đơn hơn chục món mặn không thay đổi, món xào, món canh... đơn điệu có vẻ đã quá ngán nhàm với dân công sở. Một số chủ quán ăn, nhà hàng nhỏ cho biết, giới văn phòng hiện đang chuộng kiểu cơm phần như cơm gia đình. Có nơi chia thực đơn theo phần từ 2 – 6 người, mỗi phần có từ 6 – 7 món, gồm các món luộc, chiên, kho, canh… và dùng tráng miệng chè hoặc trái cây. Giá trung bình 40.000 đồng/phần.
Một số nơi khác bán cơm phần theo món, phong cách ẩm thực cũng khác nhau. Nếu như quán Đo Đo (đường Lương Hữu Khánh, quận 1, TPHCM) thu hút khách với các món ngon xứ Quảng thì quán Nam Định (đường Võ Văn Tần, quận 3) nhộn nhịp bởi phong vị đồng bằng sông Hồng. Đa số các quán đều dựa vào nhu cầu, đặc điểm nghề nghiệp của giới văn phòng mà đáp ứng như chỗ ngồi thoải mái, món ăn ít dầu mỡ, rau nhiều, chế biến sạch sẽ, hương vị phù hợp với số đông…
Thưởng thức bữa trưa theo nhóm như thế này cũng là nhu cầu của nhiều nhân viên văn phòng. |
Chị Mỹ Hạnh - Nhân viên xuất nhập khẩu (đường CMT8, quận 1) - cho biết: “Mọi người cùng ăn chung, gắp thức ăn cho nhau, chia sẻ chuyện gia đình, công việc giống như một gia đình. Cảm thấy vui, ngon miệng hơn”. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của giới văn phòng, ông Đặng Văn Trọng - chủ quán Nam Định - cho biết: “Bán cơm dĩa chỉ hút được ít khách, bán cơm gia đình không chỉ tạo sự khác biệt mà còn hút được lượng khách nhóm, khách đoàn”.
Các quán cà phê cũng tham gia vào thị trường cơm trưa văn phòng. Để hút khách, các quán “sinh sau đẻ muộn” cố gắng xây dựng món “tủ” hoặc tạo nét khác biệt cho thực đơn. Ông Nguyễn Văn Tĩnh - chủ quán cà phê Thuỷ Mộc (đường Phan Xích Long, quận Bình Thạnh) - cho biết: “Nhu cầu của giới văn phòng là ăn rau nhiều, đổi món riêng. Vì vậy, chúng tôi chế biến 20 món hương vị Bắc thay đổi mỗi ngày và buffet rau tươi để có thể cạnh tranh với các quán khác trên cùng đoạn đường”.
Chủ một quán càphê trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) tiết lộ: “Sắp tới chúng tôi sẽ tung ra thực đơn cơm trưa văn phòng thiên về sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ăn kiêng của giới văn phòng”.
Văn phòng cũng cần bình dân
Trong lúc tiền lương không theo kịp giá cả thì chuyện tiêu tốn bao nhiêu cho một bữa trưa cũng là vấn đề cân nhắc. Chị Mỹ Hạnh tính toán: “Hai người, bốn món, hai ly trà đá, hai khăn lạnh tốn khoảng 75.000 đồng cho mỗi người. Tuy rẻ nhưng cũng tốn kém nên thỉnh thoảng tôi mới đi ăn cơm phần”.
Theo quan sát của ông Trọng, nhân viên văn phòng có mức lương dưới 5 triệu đồng thường mang cơm theo hoặc ăn cơm hộp. Với người có mức lương trên 10 triệu đồng thì ăn bữa trưa vài chục ngàn không tính toán. Thông thường bữa trưa “hợp tác xã” sẽ tốn từ 30.000 – 40.000 đồng/người. Cũng không hiếm nhân viên văn phòng đến quán dùng phần cơm đơn giản với món canh và cà muối giá 15.000 đồng.
Ông Trọng nói: “Hơn một năm rưỡi nay tôi không lên giá. Giảm lợi nhuận, giữ được giá để hút khách và người nào cũng đến quán được”. Ông Tĩnh cho biết thêm, quán ra đời được một năm, mở gần các công ty để phục vụ giới văn phòng. Lúc khai trương, một phần ăn có giá 29.000 đồng và 31.000 đồng/phần cơm và đã duy trì 8 tháng nay.