Ban đầu, được chị chồng nhờ mua thỏi son chống nẻ, cái cặp tóc, rồi thậm chí cả đôi dép đi trong nhà, cái ví đựng tiền, kính râm… Thùy nhiệt tình lắm. Mới cưới chồng, lại chưa có con cái, vợ chồng Thùy có nhà riêng ở nội thành Hà Nội nên tiền bạc cũng không quá khó khăn.
Quê chồng Thùy ở ngoại thành (cách khoảng 40km) nên cách một tuần (hoặc một tháng), hai vợ chồng lại phóng xe về. Thùy còn nghĩ, có được chị chồng tin yêu, quý mến thì mới nhờ vả, giúp chị được chút nào thì cố mà giúp, cùng là người trong nhà cả. Tất nhiên mua hộ chị những đồ lặt vặt, Thùy chẳng bao giờ lấy tiền của chị dù chị bảo trả.
“Đến giờ, bị nhờ nhiều quá mình thấy mệt mỏi, ức chế và giống như đang bị chị chồng lợi dụng. Lần nào về quê, sang nhà anh chị chơi cũng điệp khúc “cậu mợ mua giúp chị cái này”, “cậu mợ mua hộ anh chị cái kia”… Mình chán lắm rồi. Biết thế từ chối quách từ đầu cho đỡ khổ. Kệ chị muốn nghĩ sao thì tùy. Đúng là cả nể thì thiệt thân” - Thùy chia sẻ.
Thùy kể, chị chồng của mình tính rất “tranh thủ”. Trong khi mẹ chồng Thùy còn không nhờ con dâu mua gì, thậm chí Thùy mua biếu mẹ chồng lọ thuốc bổ, mẹ chồng còn bảo: “Không phải mua cho phí tiền. Ở nhà có thiếu gì đâu, mẹ thiếu thì mẹ tự mua được” thì chị chồng cô dù những thứ này ở nhà có bán đầy nhưng lại chỉ thích nhờ em dâu. Tuy ức chế nhưng Thùy cũng chưa biết phải từ chối thế nào mà không làm chị chồng mất lòng.
Cùng cảnh với Thùy, Hoa (Từ Liêm, Hà Nội) cũng “phát ốm” vì bà bác ruột của chồng hay gọi điện nhờ, lúc thì hộp sữa cho người già, khi thì những thứ thuốc lặt vặt như thuốc chống tiêu chảy, lọ dầu cao, thuốc nhỏ mắt, có khi lại là cái kính lão….
“Quê chồng mình ở Sơn Tây, Hà Nội. Bé 2 tuổi nhà mình đang gửi cho ông bà nội trông hộ ở quê. Vì thế, tuần nào hai vợ chồng cũng phải về quê thăm con, thăm hai ông bà và một bà bác ruột của chồng (không lập gia đình nên vẫn sống chung). Lúc đầu, bác nhờ mua hộ hộp sữa, mình cũng vui vẻ lắm. Thôi thì là phận con cháu, mua biếu bác chứ ai dám lấy tiền của bác làm gì. Sau, lần nào cũng bị nhờ nên mình chán lắm” - Hoa ngao ngán lắc đầu.
Hoa kể, chắc bác sợ mẹ chồng Hoa trách nên khi nào cần nhờ gì, bác lại lén gọi điện cho cháu dâu hoặc kéo Hoa ra một chỗ, thì thầm. “Mình cũng thương bác nhưng sau nhiều lần mua hộ lại trở nên ác cảm với bác. Muốn từ chối mà chẳng biết nói thế nào vì toàn những thứ lặt vặt nhưng cộng lại cũng kha khá. Vợ chồng mình còn đang nuôi con nhỏ nữa” - Hoa tâm sự.
Thoát nhờ vả
Không ít cặp vợ chồng sống trên thành phố phải chịu cảnh bị họ hàng ở quê chồng (thậm chí cả quê mình) nhờ mua hộ cái này, cái khác. Tất nhiên không phải lúc nào nhờ vả cũng đáng bị trách và gây khó chịu, bởi vì họ hàng, anh em cần biết nương tựa, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Nếu cảm thấy nhờ vả đang chuyển sang bị “lợi dụng” thì vợ chồng cần bàn bạc thống nhất với nhau để tìm cách thoái thác mà không làm mất lòng họ hàng.
Ngay từ đầu, người trong cuộc có thể chia sẻ những khó khăn của bản thân để họ hàng ở quê không nghĩ mình là “mỏ vàng”. Thứ hai, cần xác định chuyện nào có thể giúp được, việc nào nên từ chối khéo. Nếu quá ôm đồm và cả nể thì sẽ rất khó khăn nếu lần sau, vợ chồng muốn từ chối.