Dân Việt

Đại kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản nếu TQ chiếm đảo

Đăng Nguyễn - NI 25/10/2016 13:56 GMT+7
Sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc và yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản phải tái cơ cấu lại lực lượng, đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng từ phía nam.

img

Binh sĩ Nhật trong cuộc diễn tập huấn luyện.

Theo National Interest, quan hệ Trung-Nhật vốn ổn định trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi Trung Quốc nâng mức ngân sách quốc phòng lên 10% trong 18 năm. Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu tranh chấp với Nhật quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Không chỉ bổ sung thêm tàu đổ bộ Type 071, Trung Quốc còn biên chế hạm đội tàu khu trực và tàu chiến mới. Chiến lược phòng thủ Nhật Bản đã hoàn toàn thay đổi kể từ đó. Thay vì tập trung vào hòn đảo Hokkaido ở phía bắc, Nhật Bản ngày nay chú ý tới chuỗi đảo Senkaku và Ryukyu ở phía nam.

Nếu như kế hoạch cũ, đối phó với quân đội Liên Xô bằng đơn vị xe tăng hạng nặng thì nay Nhật Bản hướng đến Lữ đoàn lính thủy đánh bộ cơ động, đề phòng Trung Quốc ở phía nam.

Nòng cốt của chiến lược phòng thủ mới là Lữ đoàn Đổ bộ. Lữ đoàn này sẽ đóng quân tại Sasebo, thuộc đảo Kyushu với biên chế 2.000 lính và có thể tăng lên 3.000 trong tương lai.

Lữ đoàn bao gồmTrung đoàn Bộ binh miền Tây (WAIR). Đây là lực lượng đầu não trong năng lực đổ bộ của Nhật Bản.

WAIR đã tham gia các cuộc tập trận đổ bộ Iron Fist và Dawn Blitz với Mỹ từ năm 2000. Lính thủy đánh bộ Nhật Bản cũng từ từ đẩy mạnh huấn luyện trong các hoạt động đổ bộ chống lại các cuộc tấn công bất ngờ.

img

Khu trục hạm trực thăng Hyuga của Nhật Bản.

Lữ đoàn đổ bộ Nhật bản trang bị xe bọc thép chở quân 8x8 với súng máy 105 mm, 30 xe tấn công lội nước (AAV) mua từ Mỹ. Năng lực đổ bộ trên biển Nhật Bản được đánh giá tương tương lực lượng Mỹ với khả năng đưa một tiểu đoàn lên bờ bằng xe bọc thép trong thời gian ngắn.

Đảm bảo vai trò yểm trợ đường không, Lữ đoàn đổ bộ Nhật Bản được trang bị 17 “chim ưng biển” V-22 Osprey. Tầm hoạt động của các máy bay này được mở rộng nhờ vào 6 máy bay tiếp dầu KC-130. Lữ đoàn Không vận Thứ nhất đóng quân tại Chiba  với các máy bay vận tải tầm trung H-60, vận tải hạng nặng CH-47J và trực thăng tấn công AH-64J, cũng có thể hỗ trợ khi cần thiết.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Biển (MSDF) hỗ trợ cho Lữ đoàn này với 3 tàu đổ bộ lớp Osumi. Các tàu này đều có thể mang theo trực thăng, 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC do Mỹ thiết kế, phương tiện AAV và cả xe tăng.

Chiến dịch không vận đã trở thành nền tảng của chiến tranh đổ bộ và Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Khu trục hạm trực thăng Hyuga chủ yếu đóng vai trò săn ngầm và mang theo 11 chiếc trực thăng loại AH-64J và CH-47J.

Trong cuộc tập trận Dawn Blitz 2015, một Hyuga đã chở trực thăng Nhật Bản tới bờ biển California, sau đó hoạt động như một căn cứ trực thăng nổi. Các máy bay V-22 Osprey cũng có thể hạ cánh trên tàu Hyuga.

Nằm trong chiến lược phòng thủ mới là khả năng phản ứng nhanh trên khắp các quần đảo Nhật Bản. Tokyo có tới 6.852 đảo lớn nhỏ và việc duy trì lực lượng thường trực trên toàn bộ các đảo này là điều không thể. Thay vào đó, Nhật Bản xây dựng các trạm quan sát, trạm radar ở phía nam, đóng vai trò cảnh báo sớm.

img

"Chim ưng biển" V-22 Osprey.

Chỉ có 4 hòn đảo duy trì lực lượng quân sự thường trực bao gồm Yonaguni, Amami-Oshima, Ishigaki và Okinawa. Trong trường hợp chuỗi đảo ở Senkaku bị tấn công, Lữ đoàn Đổ bộ sẽ nhanh chóng được điều tới bằng máy bay Osprey. Lực lượng lớn hơn sẽ đến tiếp viện thông qua đường biển trong vòng 28 giờ.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ nhanh chóng phong tỏa khu vực, ngăn không cho những kẻ xâm nhập tiếp nhận hỗ trợ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, các tàu khu trục Nhật Bản sẽ nã pháo mà mục tiêu đối phương trên đảo.

Trực thăng Apache AH-64J cất cánh từ tàu Hyuga đóng vai trò yểm trợ hỏa lực, giống như các trực thăng Anh cất cánh từ tàu HMS Ocean, trong cuộc chiến tại Libya. Cuối cùng, các xe tấn công lội nước mang theo bộ binh và tàu đổ bộ đệm khí LCAC có nhiệm vụ đổ bộ lên đảo, trấn áp những kẻ tấn công.

Theo National Interest, chiến lược phòng thủ mới của Nhật Bản vẫn đảm bảo an ninh với chi phí ở mức tối thiểu.

Để có được Lữ đoàn Đổ bộ như vậy, Tokyo có kế hoạch loại bớt xe tăng chiến đấu chủ lực vốn không có nhiều tác dụng trong tác chiến trên đảo. Kết quả là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản linh hoạt hơn, phản ứng nhanh hơn trên chiến trường tương lai.