Lãnh đạo bệnh viện nắm bao nhiêu chức là vừa!?
Sau bài báo "Giám đốc bệnh viện ôm 7 chức là thiếu lòng tin ở cấp dưới, người bệnh thiệt thòi" phản ánh việc ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm nhiệm đến 7 chức vụ, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc.
Bệnh nhân và người nhà mệt mỏi chờ đợi đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh Trinh Phúc).
Không chỉ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, theo thông tin phản ánh, lãnh đạo ở một số bệnh viện khác cũng có hiện tượng kiêm nhiệm nhiều chức vụ tương tự.
Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Nguyễn Viết Nhung đang giữ năm chức danh gồm:
Giám đốc Bệnh viện; Chủ nhiệm chương trình chống lao Quốc gia; Chủ nhiệm Bộ môn Lao và Bệnh phổi Đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm xạ trị Ung thư phổi Công nghệ cao; Phó Chủ tịch Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam. [1], [2], [3], [4]
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ông Vũ Xuân Phú cũng có tới bốn chức danh gồm:
Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng ban Điều hành kiêm Phó Giám đốc Trung tâm xạ trị Ung thư Phổi Công nghệ cao; Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam.
Tại Bệnh viện 198, các Phó Giám đốc kiêm các trưởng khoa gồm:
Ông Sái Văn Đức - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp; Ông Trần Quốc Cường - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Thận khớp; Ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm Ung bướu.
Trước hiện tượng kiêm nhiệm nhiều chức vụ của các lãnh đạo bệnh viện nêu trên, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An bày tỏ quan điểm:
"Một Giám đốc ôm nhiều chức là không nên, ở Bệnh viện, Giám đốc phải chuyên sâu, đòi hỏi giỏi cả quản lý và chuyên môn.
Trong y tế, người ta đánh giá một bệnh viện ở khía cạnh chuyên môn. Thứ người bệnh cần là được cứu chữa kịp thời nhờ "các bàn tay vàng" hơn là việc tham quyền, cố vị, giữ các chức vụ này, kia.
Đặc biệt, lãnh đạo một Bệnh viện không nên vừa kiêm chức Giám đốc bệnh viện lại giữ luôn cả chức Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh theo dịch vụ".
Để kiêm nhiệm một lúc nhiều chức vụ như vậy, lãnh đạo các bệnh viện làm sao sắp xếp thời gian hoàn thành tất cả nhiệm vụ?
Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam về công việc hàng ngày của ông Lê Thanh Hải (Giám đốc Bệnh viện Nhi, hiện đang đảm đương 7 chức vụ tại đây), Phó Giám đốc Trịnh Ngọc Hải cho biết:
“Việc ông Lê Thanh Hải kiêm nhiệm nhiều chức dẫn tới trách nhiệm nặng nề.
Để thúc đẩy chuyên khoa, chỉ đạo chuyên môn, ông Lê Thanh Hải phải có mặt tại bệnh viện từ 6h sáng làm việc đến 11h đêm mới về, thứ bảy, chủ nhật cũng phải đi làm, thăm bệnh nhân, rồi họp hành.
Ông Hải từng phát biểu trước Đại hội Công nhân viên chức của Bệnh viện Nhi Trung ương, vì trách nhiệm phải hy sinh cả gia đình; thậm chí vì đi nhiều nên vợ con nghi ngờ có bồ bịch.
Con của ông Hải không được quan tâm nhiều, có trường hợp sinh ra tự kỷ, có người cháu lại phát biểu mình là người thừa trong gia đình vì không ai quan tâm, không ai chia sẻ...”.
Tuy nhiên, cá nhân ông Trịnh Ngọc Hải bày tỏ quan điểm cho rằng:
“Lãnh đạo bệnh viện chỉ nên giữ một, hai, ba chức là tốt, còn nhiều chức thì nặng nề quá.
Trước đây, Giám đốc tiền nhiệm Bệnh viện Nhi Trung ương từng tâm sự, “ông đã quyên một việc rất quan trọng, vì công việc nên thiếu quan tâm đến con cái…"
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hoá và Phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, ở góc nhìn văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ quan điểm:
“Một người nắm nhiều chức thì có hai trường hợp. Ông ta là người tử tế, đam mê công việc quá hoặc ông ta tham quyền cố vị.
Theo tôi, người nắm nhiều quyền trong một cơ quan chưa hẳn đã tận tâm công việc, đặc biệt ở các cơ quan chuyên môn như trong một bệnh viện lớn.
Còn việc, người nào đó ôm nhiều chức, rồi làm việc quên cả gia đình, vợ con thì nên xem lại. Phải làm sao sắp xếp cho hài hòa giữa đời sống gia đình và đời sống xã hội?
Khi, công việc chuyên môn với đời sống gia đình hài hòa hơn, cuộc sống mới hạnh phúc, mà hạnh phúc mới chính là đích đến của mỗi người.
Trong xã hội hiện đại, ai đó không nên phải lao động cật lực trong khi có đủ sự lựa chọn hợp lý hơn".
Khám bệnh dịch vụ dễ phát sinh lợi ích nhóm?
Việc mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện công đi cùng với đó đủ chuyện thị phi. [5]
Có bệnh viện đầu ngành từng bị tố "treo đầu dê bán thịt chó".
Bệnh viện này, đưa danh sách tên tuổi nhiều chuyên gia là Giáo sư, giảng viên y khoa đầu ngành để thu hút người bệnh nhưng khi tới thăm khám người bệnh lại gặp đội ngũ y bác sĩ khác.
Có bệnh viện bị tố thu tiền của bệnh nhân 1,2 triệu đồng/ ngày nhưng buồng bệnh rêu mốc xanh lè.
Tâm sự với phóng viên về chuyện "thâm cung bí sử" trong khám dịch vụ, bác sĩ Trần Trung Q. (xin được giấu tên) cho biết:
“Phát triển khám dịch vụ trong bệnh viện công không chỉ đem lại nhiều bất công cho bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ cũng bị bất công”.
Lý giải về việc này, bác sĩ Trần Trung Q. cho rằng:
"Cùng một công việc, trong một thời gian, công tác trong một viện, nhưng cán bộ tại khu dịch vụ khám tự nguyện được nhận tiền nhiều hơn.
Trong khi, những bác sĩ miệt mài điều trị cho các bệnh nhân bảo hiểm y tế, lượng công việc thì nhiều nhưng tiền nhận được chỉ có lương.
Chưa kể, muốn được sang khám bên khu dịch vụ, ngoài chuyên môn các bác sĩ còn phải được lòng cấp trên, từ đó, mới sinh ra nhóm lợi ích trong bệnh viện, gây mất đoàn kết".
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An.
Bàn về vấn đề này, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng:
“Người bệnh có nhu cầu khám bệnh theo dịch vụ, nhưng mở bao nhiêu, quản lý như thế nào để hài hòa đó là bài toán đặt ra cho lãnh đạo các bệnh viện và ngành Y tế.
Để tránh lôi bè, kéo cánh, công tác cán bộ trong khám chữa bệnh cần công khai, minh bạch.
Nguồn thu phải điều chỉnh hợp lý, có sự cân đối tránh tình trạng bên dịch vụ thì được trả tiền quá cao, trong khi bên khám bảo hiểm thu nhập thấp.
Nảy sinh tình trạng bác sĩ ai cũng muốn về khoa dịch vụ làm việc dẫn tới mất cân đối cho bên khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Các bệnh viện công phải xác định phục vụ cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế mới là nhiệm vụ trọng tâm.
Công tác trong bệnh viện phải cụ thể hóa mục tiêu phục vụ người dân theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Việc triển khai khám dịch vụ trong bệnh viện công thế nào cho hài hòa giữa quyền lợi người bệnh với ngành y, cùng với đó, việc kiêm nhiệm của các lãnh đạo bệnh viện như thế nào hợp lý đang là câu hỏi chờ giải đáp từ lãnh đạo ngành Y tế.