Dân Việt

Vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng: “Mức cảnh cáo chưa đủ sức răn đe”

Ngọc Lương (ghi) 25/10/2016 12:07 GMT+7
Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng nay (25.10) về vụ việc liên quan đến nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đã khẳng định như vậy.

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư được phát đi chiều qua, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị kết luận có dấu hiệu vụ lợi, tự ý quy hoạch ông Trịnh Xuân Thanh làm Thứ trưởng. Theo ông, các cơ quan điều tra có nên làm rõ vấn đề này?

- Vấn đề đó phải làm cẩn thận. Vì nó liên quan đến việc vi phạm các quy định của Nhà nước. Đặc biệt một khi đã động chạm tới lợi ích, quy định của Bộ luật Hình sự và xâm phạm tới nhiều lợi ích chung thì chúng ta phải tìm hiểu kỹ.

img

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim.

Trong vụ việc cụ thể này, theo ông có cơ sở khởi tố vụ án không, bởi vụ Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố, thưa ông?

- Có khởi tố hay không thì phải điều tra mới có cơ sở vững chắc về mặt pháp luật.

Dư luận thấy kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về các vi phạm của ông Hoàng là nghiêm trọng. Nhưng mức độ kỷ luật Đảng chỉ là cảnh cáo với một người về hưu, liệu có còn mang ý nghĩa răn đe?

- Theo tôi, hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng chưa đảm bảo sự răn đe đối với tội phạm của xã hội. Ở vụ việc này tôi không nói là tội phạm, nhưng phải làm rõ những dấu hiệu đã có, như thế mới mong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn… được xử lý tới nơi tới chốn, tính răn đe mới cao.

Kết luận cho rằng việc ông Hoàng bổ nhiệm sai với con trai, sắp xếp cán bộ sai như vậy đều mang tính vụ lợi. Hậu quả theo ông phải giải quyết thế nào?

- Bây giờ tôi không nói được cụ thể biện pháp bởi vì những biện pháp về mặt hành chính hay áp dụng các quy định của pháp luật đều phải trên cơ sở điều tra kỹ càng hơn nữa.

Theo ông, vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng có phải là điển hình của việc kiểm soát quyền lực không tốt?

- Đề bạt cất nhắc cán bộ như thế thì không thể nào vô tư, trong sáng. Đây cũng là ví dụ về việc chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực. Chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát quyền lực tốt hơn, cụ thể và rõ ràng hơn, tránh lạm dụng quyền lực làm điều sai trái.

Đại biểu Quốc hội cũng nhiều lần bức xúc và đề cập về cơ chế kiểm soát quyền lực?

- Pháp luật không tự nhiên mà có, tức là phải hình thành dần dần qua quá trình lâu dài. Hiện chúng ta chưa thể nói là đã có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nên bất kỳ người nào có sáng kiến xây dựng luật đều được hoan nghênh. Sáng kiến này nhằm kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng chức vụ quyền hạn làm những việc ảnh hưởng tới xã hội.

Từ việc của ông Vũ Huy Hoàng, người dân mong muốn phải xử nghiêm theo quy định của pháp luật, ông có quan điểm ra sao?

- Nên làm nghiêm, không nên có ngoại lệ, bất kể đó là cán bộ cấp nào. Vì chức vụ càng cao, chấp hành pháp luật lại càng phải nghiêm.

Dư luận xôn xao về công tác bổ nhiệm cán bộ ở Bộ Công Thương đã khá lâu, nhưng giờ mới được làm sáng tỏ. Theo ông, như vậy có quá muộn không?

- Thường thời gian sẽ cho mình biết những điều cán bộ đó làm việc thế nào vì có những cái rất tinh vi, thậm chí cả những chuyện mị dân. Còn trường hợp này theo tôi đúng là muộn.

Trong báo cáo của Mặt trận Tổ quốc, rồi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đều đề cập hiện nay có hiện tượng lợi dụng bổ nhiệm người nhà. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nhận định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh ý kiến người dân. Chỗ này chỗ kia người dân bức xúc đòi hỏi phải giải quyết tới nơi tới chốn, không làm nửa vời, bởi thế nó sẽ nhờn đi, không có sự răn đe với cán bộ khác trong điều kiện hiện nay. Chúng ta cần cố gắng phát hiện không để tái diễn vấn đề này.

Như thế nghĩa là cần thanh tra công vụ mạnh mẽ hơn, thưa ông?

- Đúng thế, cần thanh tra mạnh mẽ hơn, không trừ một ai, không có ngoại lệ.

Xin cảm ơn ông!